Ukraine có nhiều lợi thế hơn Nga sau chiến thắng Kherson?

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến thắng tại thành phố Kherson chưa hẳn ngay lập tức xoay chuyển cục diện thế trận nhưng có lý do để lạc quan.

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng sau khi chiếm lại Kherson từ lực lượng Nga và được đảm bảo về sự hỗ trợ không ngừng của Mỹ, Ukraine có thể phát huy nhiều lợi thế của mình trong cuộc chiến hơn là chấp nhận chiến tuyến bị đóng băng trong suốt mùa đông.

Tái chiếm Kherson (với 280.000 dân) là chiến thắng lớn nhất của Ukraine kể từ đầu cuộc chiến, sau cuộc phản công thần tốc để giành lại Izium (45.000 dân) hồi tháng 9.

Kherson là thủ phủ của tỉnh Kherson ở miền Nam Ukraine, do Nga kiểm soát hoàn toàn kể từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2. Kherson bị con sông Dnieper (hay Dnipro) chia cắt thành hai bờ Đông - Tây.

Một con phố ở Kherson, Ukraine. Photo: Reuters  
Một con phố ở Kherson, Ukraine. Photo: Reuters  

Ông Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân sự cấp cao của Anh, cho biết: “Đó là chiến thắng quan trọng của Ukraine. Cuộc tấn công có phương pháp để cắt đứt lực lượng Nga ở bờ phải sông Dnieper khỏi các đường tiếp liệu phía sau, đã đặt quân Nga vào tình thế khó khăn.”

“Ukraine có sáng kiến ​​và động lực, chiếm ưu thế hơn về địa điểm và thời điểm cuộc chiến tiếp theo sẽ diễn ra,” ông nói.

“Bất cứ điều gì lực lượng Ukraine làm đều sẽ được lên kế hoạch cẩn thận, giữ bí mật và có khả năng sẽ được thực hiện cực kỳ hiệu quả," Ingram nói thêm.

Theo hãng tin Reuters, hàng dặm đường hào bị bỏ hoang dọc theo con đường dẫn đến thành phố cảng phía nam Kherson nói lên điều kiện sống khốn khổ mà quân đội Nga phải chịu đựng ở bờ phải sông Dnieper trước khi rút lui.

Các nhà phân tích quân sự cũng cho rằng, Ukraine cần phải khiến cho lực lượng Nga trở nên mất ổn định và không thể nhanh chóng giành thêm lãnh thổ. Họ cho rằng việc Ukraine gây thiệt hại cho quân đội Nga trong khi vẫn bảo toàn lực lượng của mình sẽ đóng vai trò quan trọng đến thế trận trong những tháng tới.

Đàm phán hay không đàm phán?

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với truyền thông hôm 11/11 rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine “để đưa Ukraine vào vị trí tối ưu trên chiến trường” và sẽ không tìm cách ra lệnh cho nước này phải làm gì.

“Tôi nghĩ toàn bộ báo chí phương Tây đang tập trung vào câu hỏi: Khi nào Ukraine sẽ đàm phán?” ông nói.

Sullivan đang đề cập đến các báo cáo gần đây dẫn lời các quan chức cho biết những thất bại gần đây của Moscow trên chiến trường có thể tạo cơ hội cho Ukraine cân nhắc đàm phán với Nga.

Mark Milley, tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Ukraine, khi được hỏi về triển vọng ngoại giao tại một sự kiện diễn ra vào tuần trước, đã lưu ý rằng việc sớm từ chối đàm phán trong Thế chiến thứ nhất đã tăng thêm đau khổ cho con người và dẫn đến hàng triệu thương vong.

“Vì vậy, khi có cơ hội đàm phán, khi có thể giành được hòa bình… hãy nắm bắt thời điểm,” Milley nhấn mạnh với Câu lạc bộ Kinh tế New York hôm 9/11.

Cuộc chiến Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 9 với rất ít tín hiệu cho thấy nó sẽ kết thúc, và sẽ kết thúc như thế nào.

Điều này ít nhiều khiến các quốc gia ủng hộ Ukraine cũng cảm thấy mệt mỏi. Trong bối cảnh tình hình kinh tế suy kiệt vì Covid-19, lạm phát và giá năng lượng leo thang, Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng đang phải vật lộn với vấn đề của chính họ. 

Các khoản viện trợ cho Ukraine trở thành gánh nặng không nhỏ, hoặc ít nhất tạo áp lực lớn lên các đảng cầm quyền vì chi phí này biến thành con bài chính trị của các đảng đối lập.

Điều này giải thích vì sao trong khoảng một tuần qua đã liên tục xuất hiện thông tin giới chức Mỹ thúc giục Ukraine "tỏ ra cởi mở" về khả năng nối lại đàm phán với Nga.

Một cách ngắn gọn, Mỹ không thúc ép Ukraine đàm phán ngay lúc này, nhưng ít nhất hãy "tỏ ra" như vậy. Điều này sẽ giúp cộng đồng quốc tế còn nhìn thấy khả năng chấm dứt chiến tranh, và phỏng đoán được họ sẽ phải chi viện cho Ukraine đến bao giờ.

Việc bắn tín hiệu về khả năng thắng trận hoặc kết thúc bằng ngoại giao nêu trên cũng được thể hiện qua phát biểu của ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đứng cạnh tân Thủ tướng Ý Giorgia Meloni ngày 10-11, ông Stoltenberg chỉ mô tả đây là “một thắng lợi khác” của Ukraine.

Tuy nhiên ông đề cập tới ý nghĩa thông điệp phía sau chiến thắng ấy: “Chúng ta đã thấy được cách lực lượng vũ trang Ukraine có khả năng đẩy lùi lực lượng Nga và giải phóng lãnh thổ”.

Ông Jens Stoltenberg hôm 14/11 cũng đề cập trong một cuộc họp báo chung với các quan chức chính phủ Hà Lan ở Hague: “Ukraine phải quyết định loại điều khoản nào được chấp nhận. Và chúng ta cần ủng hộ họ”.

“Chúng ta không nên phạm sai lầm khi đánh giá thấp Nga. Họ vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraine. Điều chúng ta nên làm là củng cố quyền lực của Ukraine,” ông Stoltenberg nói thêm.

Để nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của các bên là có hiệu quả, tổng thư ký NATO nói tiếp: “Đồng thời, sự ủng hộ chưa từng thấy mà các đồng minh NATO, bao gồm Ý, dành cho Ukraine đang tạo ra khác biệt trên chiến trường mỗi ngày, và vẫn đóng vai trò sống còn đối với tiến trình Ukraine”.

Nhà báo nổi tiếng của Ý Michele Santoro tuần trước nói trên truyền hình: “Những người yếu đuối và nghèo nhất ở nước Ý này đang phải trả tiền cho cuộc chiến ấy (Ukraine). Vấn đề hiện nay không còn là liệu có tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine hay không. Giờ ưu tiên số một của châu Âu là phải chấm dứt cuộc chiến này”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tại Kherson hôm 14/11 rằng Ukraine đã sẵn sàng cho hòa bình, với điều kiện là sẽ giành lại tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng: “Các bạn đã thấy quân đội mạnh mẽ của chúng tôi. Chúng tôi đang từng bước đi qua đất nước của chúng tôi, qua các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời,” ông nhấn mạnh.

Đối với ông Zelensky và những người ủng hộ Ukraine, chiến thắng tại thành phố Kherson chưa hẳn ngay lập tức xoay chuyển cục diện thế trận. Tuy nhiên lá cờ Ukraine cắm ở thành phố này mang ý nghĩa tinh thần và là lời giải cho bài toán mà ông Zelensky chưa có đáp án: tiếp tục kêu gọi các nước viện trợ cho Ukraine.