Ukraine đối mặt trở ngại “khó nhằn” trước chiến lược tiêu hao của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia quân sự châu Âu dự báo quân đội Ukraine sẽ hết đạn dược vào năm 2024 và các nước phương Tây sẽ không thể bổ sung đầy đủ cho đến năm 2025.

Nhận định với tờ Le Monde của Pháp hôm 27/10, các nhà phân tích quân sự châu Âu nói rằng với khả năng sản xuất ở mức cao nhất, Nga sẽ được chuẩn bị tốt hơn trong cuộc xung đột tiêu hao.

Binh lính Ukraine khai  hỏa pháo tự hành trong một trung tâm huấn luyện ở Anh hồi tháng 3/2023. Ảnh: AP
Binh lính Ukraine khai  hỏa pháo tự hành trong một trung tâm huấn luyện ở Anh hồi tháng 3/2023. Ảnh: AP

Trong một bài phân tích, tờ Le Monde chỉ ra 3 yếu tố khiến chiến dịch phản công mùa Hè của Ukraine không đạt kết quả mong đợi: đó là quyết định của Nga khi chủ động rút quân khỏi tỉnh Kherson và xây dựng hệ thống phòng tuyến kiên cố vào cuối năm 2022; Ukraine thiếu các kỹ năng chiến thuật và "chiều sâu chiến lược" của Nga lớn hơn, cùng với việc Kiev thiếu khả năng thay thế lực lượng và trang thiết bị tổn thất.

Chuyên gia tư vấn rủi ro Stephane Audrand nói với tờ Le Monde: "2024 sẽ là một năm đầy thách thức với Ukraine. Các trang thiết bị được cung cấp cho Ukraine sẽ bị cạn kiệt, nhưng chúng chỉ có thể được bổ sung một phần do khả năng sản xuất của phương Tây sẽ không thể đạt mức tối đa cho đến  năm 2025".

Theo ước tính từ các nguồn tin của Mỹ và Ukraine vào năm ngoái, các lực lượng của Nga đã duy trì lợi thế về pháo binh kể từ khi bùng phát xung đột, sử dụng số đạn pháo gấp 3 - 4 lần so với Ukraine. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng trong năm tới, các chuyên gia Mỹ bắt đầu hướng dẫn binh sĩ Ukraine thay đổi chiến thuật để tiết kiệm đạn dược.

Trong khi đó, phía Israel cũng yêu cầu Mỹ hỗ trợ loại đạn 155mm ngày càng hiếm. Washington được cho là đã chuyển hàng chục nghìn quả đạn pháo trở lại kho của Israel, mặc dù ban đầu đã có kế hoạch hỗ trợ số đạn dược này cho Ukraine.

Theo chuyên gia quân sự Nikolay Bielieskov tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Kiev, trái ngược với Ukraine, Nga không gặp trở ngại về tình trạng thiếu đạn dược vào năm 2024.

"Tổng thống Vladimir Putin đã nỗ lực trong hơn 1 năm qua để đưa phần lớn nền kinh tế Nga vào trạng thái thời chiến. Mặc dù quá trình này chưa thực sự hoàn hảo, nhưng vẫn mang lại kết quả" - chuyên gia Bielieskov nhận định.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào tuần trước, Giám đốc cơ quan tình báo quân sự Estonia, đại tá Ants Kiviselg ước tính kho vũ khí của Nga đang có khoảng 4 triệu quả đạn pháo, gấp đôi số lượng Mỹ chuyển cho Ukraine vào tháng 2/2022.

“Điều đó cho thấy Nga có thể duy trì cường độ sử dụng hiện tại với 10.000 quả/ngày trong 1 năm" - ông Kiviselg giải thích, đồng thời cho biết Nga có khả năng sản xuất thêm từ 2 đến 3 triệu viên đạn mỗi năm.

Cũng bày tỏ lo ngại tương tự, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Aleksandr Kamyshin nói với tờ Politico rằng thậm chí toàn bộ phương Tây huy động tất cả năng lực sản xuất vũ khí dành riêng cho Ukraine, "điều đó vẫn không đủ cho cuộc xung đột này".

Phát biểu với các quân nhân Nga đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố quân đội Ukraine đang mất dần sức mạnh chiến đấu và tỏ ra "hoảng loạn".

Trong khi đó, tờ Bloomberg hôm 25/10 dẫn nguồn cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang chậm trễ trong việc thực hiện cam kết cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào mùa Xuân tới.

Thỏa thuận viện trợ cho Kiev số lượng đạn dược khổng lồ được EU thông qua hồi tháng 3. Theo đó, EU cam kết sẽ cung cấp một triệu quả đạn pháo 155 mm trị giá hơn 1 tỷ USD trong 12 tháng tới bằng cách khai thác kho dự trữ của khối và đặt hàng mua chung.

Tuy nhiên, tờ Bloomberg cho biết, mặc dù đã hơn 6 tháng trôi qua nhưng EU vẫn chưa đạt được mục tiêu khi chỉ mới giao được 30% theo kế hoạch.

EU đang đối mặt nguy cơ không cung cấp cho Ukraine đủ 1 triệu quả đạn pháo như cam kết hồi tháng 3. Một số thành viên EU đã yêu cầu khối này gia hạn thời hạn bàn giao.

Chính quyền Washington cũng hối thúc EU tăng cường nỗ lực trên mặt trận này. Khoảng 10 nước thành viên EU, trong đó có Đức, Hà Lan, Ba Lan và các quốc gia Baltic, đã chuyển giao hoặc đang có kế hoạch chuyển giao cho Kiev tổng cộng khoảng 300.000 đến 400.000 quả đạn pháo.

Gần đây đã xuất hiện tâm lý lo ngại rằng Kiev có thể nhận được ít viện trợ hơn từ các nước phương Tây khi xung đột Israel - Hamas bùng phát. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua các khoản tài trợ bổ sung cho Kiev.

Về phần mình, Moscow nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài chiến sự tại  Ukraine và khiến các nước phương Tây trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột hiện tại.