Cuộc tấn công của Ukraine vào Nga được cho là củng cố thêm sức mạnh của Kiev trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Tiến trình này có thể được triển khai ngay cả khi Điện Kremlin từ chối cử các nhà ngoại giao đến các hội nghị trực tiếp.
Mô hình hiệp ước hòa bình mà Kiev "nhắm tới" được cho là lấy cảm hứng từ thỏa thuận tháng 7/2022 cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Biển Đen. Theo hình thức ngoại giao đó, Nga và Ukraine đã làm việc theo các thỏa thuận riêng biệt, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ giám sát với tư cách là bên trung gian, mà không có thỏa thuận trực tiếp giữa Moscow và Kiev.
Kiev kỳ vọng cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội nước này qua biên giới vào khu vực Kursk của Nga vừa qua sẽ củng cố vị thế của mình trên bàn đàm phán, theo giới quan sát.
"Tại khu vực Kursk, chúng ta có thể thấy rõ công cụ quân sự đang được sử dụng một cách khách quan để thuyết phục [Nga] tham gia vào quá trình đàm phán công bằng,” cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết vào cuối tuần trước.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh vụ việc không thúc đẩy Moscow ngồi vào bàn đàm phán.
“Chúng ta có thể đàm phán kiểu gì với những kẻ tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với các cơ sở điện hạt nhân? Chúng ta có thể đàm phán kiểu gì với họ?” ông Putin cho biết sau vụ tấn công vào Kursk.
Mô hình Hiệp định Biển Đen sẽ thu hẹp bế tắc này, hai quan chức cấp cao của Ukraine nói với Politico. "Đó là kế hoạch mà chúng tôi đang hướng tới,” một quan chức thân cận với văn phòng tổng thống Ukraine chia sẻ với tờ báo.
Cơ sở cho mong muốn của Ukraine là một kế hoạch 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky lập ra vào năm 2022 — bao gồm một loạt các chủ đề như an ninh lương thực và năng lượng, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và việc rút quân của Nga. Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống và là quan chức chính sách đối ngoại của ông Zelensky khẳng định với tờ European Pravda rằng 10 nhóm làm việc — bao gồm các đại sứ và chuyên gia — đang được thiết lập cùng với mốc thời gian cụ thể.
Ông Yermak cũng nêu thỏa thuận Biển Đen như một hướng đi tiềm năng: "Chúng tôi không đàm phán với Nga. Chúng tôi đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc, và họ đã đàm phán với Nga. Đó là một thành công. Hành lang hoạt động trong một năm, mặc dù có rất nhiều vấn đề, nhưng hiệu quả. Chúng ta phải thừa nhận điều đó. Một hình thức tương tự nên được áp dụng."
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho Kiev. Nước này cần thiết lập một kế hoạch hòa bình chung với các quốc gia đã nhất trí hỗ trợ Kiev thực hiện ba điểm công thức hòa bình ban đầu — an ninh hạt nhân và năng lượng, an ninh lương thực và trả tự do cho tù nhân — đã được nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên tại Thụy Sĩ vào tháng 6.
Ông Zelensky muốn một đề xuất hòa bình chung được đưa ra sau chuỗi cuộc họp mà Ukraine khởi xướng trong hội nghị thượng đỉnh. Các quốc gia thân Nga tham gia chương trình hòa bình được cho là sẽ chuyển các đề xuất với Moscow trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ 2 mà Kiev muốn tổ chức vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Nga đã tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh nói trên và gọi công thức hòa bình của Ukraine là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" đối với Điện Kremlin.
Vì vậy, Ukraine muốn thúc đẩy Moscow hơn nữa khi khẳng định các cuộc đột kích vào Nga sẽ dừng lại khi một thỏa thuận hòa bình được đảm bảo.
"Nga càng sớm đồng ý khôi phục hòa bình công bằng, đặc biệt là dựa trên công thức cụ thể thì các cuộc đột kích của lực lượng phòng thủ Ukraine vào lãnh thổ Nga sẽ càng sớm chấm dứt", Heorhii Tykhyi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine, cho biết tại một cuộc họp báo ở Kiev hồi tuần trước.
Trong diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ mong muốn một lần nữa đóng vai trò trung gian để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình. Bộ trưởng Ngoại giao Hakan Fidan bảo lưu quan điểm này vào tháng 6. "Chúng tôi sẽ không ngần ngại nỗ lực thêm nữa", ông khẳng định.