Ukraine ra điều kiện để nối lại đàm phán hòa bình với Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/11, Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine Oleksiy Danilov khẳng định "điều kiện chính" để nối lại đàm phán với Nga sẽ là việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine Oleksiy Danilov. Ảnh: Kievpost
Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine Oleksiy Danilov. Ảnh: Kievpost

Theo hãng tin Reuters, trong bài viết trên trang Twitter ngày 8/11, ông Danilov nêu rõ Ukraine cũng cần nhận được "đảm bảo" (có được) hệ thống phòng không hiện đại, máy bay, xe tăng và tên lửa tầm xa. 

Trong khi đó, cùng ngày Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết nước này chưa bao giờ từ chối đàm phán với Moscow, tuy nhiên khẳng định Kiev chỉ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trong trường hợp Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Trước đó, hôm 7/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Nga, song nêu rõ chỉ có các cuộc đàm phán "chân thành" giúp khôi phục các đường biên giới của Ukraine, bồi thường cho những hậu quả xung đột mà nước này gánh chịu và những biện pháp trừng phạt liên quan.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 7/11 nhắc lại lập trường của Moscow rằng nước này sẵn sàng đàm phán nhưng Kiev đã đơn phương từ chối. Theo ông Peskov, Moscow đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không đàm phán liên quan đến các vùng lãnh thổ của Ukraine vừa được sáp nhập vào Nga.

Những phát biểu trên được đưa ra sau khi báo Washington Post (Mỹ) mới đây đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có các cuộc thảo luận riêng tư để khuyến khích các nhà lãnh đạo Ukraine phát đi tín hiệu về việc Kiev sẵn sàng đàm phán.

Báo The Washington Post ngày 5/11 dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang "thúc giục Tổng thống Zelensky thể hiện sự cởi mở trong các cuộc đàm phán với Nga".

Theo các nguồn tin, yêu cầu này không nhằm mục đích buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán mà chỉ muốn "bảo đảm vị thế của Ukraine trong mắt những người ủng hộ quốc tế".

The Washington Post bình luận đây là một nỗ lực có tính toán của Washington, qua đó giúp duy trì sự ủng hộ của các quốc gia khác dành cho chính phủ ở Kiev. Ngoài ra, Mỹ được cho là đề nghị ông Zelensky bác bỏ sắc lệnh có nội dung không tổ chức hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một diễn biến liên quan, Tass ngày 7/11 đưa tin Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có thể khởi động các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine nếu Kiev giành được Kherson trong trận chiến có ý nghĩa quan trọng cả về mặt chiến lược lẫn ngoại giao. Theo nhật báo La Repubblica, Washington thường xuyên liên lạc với Brussels và các đồng minh về vấn đề này, cũng như truyền đạt quan điểm đó cho Kiev.

Nguồn tin lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên Mỹ và NATO xác nhận đã gửi một lô tên lửa chống máy bay không người lái tới Kiev. Vấn đề quan trọng là giành lại Kherson - mục tiêu chiến lược là bàn đạp để Kiev tiếp cận biển và kiểm soát nguồn tài nguyên nước. Điều này có thể thay đổi tiến trình của cuộc xung đột và khi giành lại Kherson, hai bên có thể sẽ tổ chức các cuộc đàm phán. Theo tờ báo, đây là lần đầu tiên Nhà Trắng đề xuất kịch bản cụ thể như vậy.

Tổng thống Zelensky hồi tháng 10 đã ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với Tổng thống Putin. Ông Zelensky tuyên bố sẵn sàng đàm phán nhưng không phải với ông Putin. Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định ông không đối thoại với Tổng thống Putin và không có triển vọng đàm phán trong tương lai với nhà lãnh đạo Nga.