70 năm giải phóng Thủ đô

Ukraine “sốc” trước viễn cảnh có thể bị Mỹ giảm viện trợ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức Ukraine nói bị "sốc" khi một chính trị gia đảng Cộng hòa của Mỹ nói rằng Washington có thể giảm viện trợ cho Ukraine sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

Ông David Arakhamia - lãnh đạo các nghị sĩ đảng cầm quyền Đầy tớ của nhân dân trong quốc hội Ukraine. Ảnh: Lurer.am
Ông David Arakhamia - lãnh đạo các nghị sĩ đảng cầm quyền Đầy tớ của nhân dân trong quốc hội Ukraine. Ảnh: Lurer.am

Tuyên bố của lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy về viễn cảnh viện trợ Ukraine đã khiến giới chức Kiev bất ngờ, theo ông David Arakhamia - lãnh đạo các nghị sĩ đảng cầm quyền Đầy tớ của nhân dân trong Quốc hội Ukraine.

Theo trang tin Axios, sự hỗ trợ rộng rãi mà Washington cung cấp cho Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga có thể bị cắt giảm nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11, trang Axios đưa tin.

Trang Axios đưa tin, Mỹ có thể dừng viện trợ cho Ukraine nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát ở Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. 

Trả lời phỏng vấn tờ Punchbowl News hồi đầu tuần, ông McCarthy nói rằng, các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ có thể cắt giảm sự hỗ trợ cho Ukraine nếu họ giành được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11 tới.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP

Ông McCarthy nói thêm rằng dù việc hỗ trợ Ukraine vẫn quan trọng với Mỹ, nhưng nó có thể không còn là vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự của Washington. "Tôi lo Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế và họ (các nghị sĩ) sẽ không thể viết những tờ séc trắng cho Ukraine" - ông McCarthy nói.

Theo trang tin Axios, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng có quan điểm giống ông McCarthy. Nghị sĩ Don Bacon cho biết ông “nhận thấy” sự suy giảm ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa đối với Ukraine.

Trong khi đó, nghị sĩ Kelly Armstrong, nói với Axios rằng sự thay đổi quan điểm của các nhà lập pháp Mỹ đối với vấn đề viện trợ cho Ukraine là do mong muốn từ các cử tri. Ông Armstrong nhấn mạnh: “Trong bối cảnh người dân Mỹ đối mặt với tình trạng giá cả leo thang chóng mặt, với hàng hóa tăng 13%, giá năng lượng và hàng tiện ích tăng gấp đôi... thì vấn đề hỗ trợ tài chính cho  Ukraine trở thành điều quá xa vời”.

Trang Axios cũng dẫn phát biểu của một thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện nêu rõ: “Sau khi thông qua gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine hồi tháng 5, rất nhiều thành viên đảng Cộng hòa tuyên bố rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi ủng hộ tài trợ cho Ukraine”.

"Chúng tôi bị sốc khi nghe những bình luận như vậy từ ông McCarthy" - ông Arakhamia nói với Financial Times.

Theo ông Arakhamia, phát biểu của ông McCarthy đối lập với những gì ông từng nói trong cuộc gặp trực tiếp gần đây giữa 2 chính trị gia ở Washington. “Chỉ vài tuần trước, phái đoàn của chúng tôi đã đến thăm Mỹ và có cuộc gặp với ông McCarthy. Chúng tôi được đảm bảo rằng sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu ngay cả khi họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử" - quan chức Kiev cho hay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nói với Financial Times rằng, nước này vẫn trông chờ vào "sự hỗ trợ liên tục từ lưỡng đảng" của Mỹ.

Trong khi đó, khi được hỏi về phát biểu của ông McCarthy, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, đảm bảo rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ "tiếp tục làm việc với quốc hội, như chúng tôi đã làm trong vài tháng qua, về những nỗ lực này và hỗ trợ Ukraine miễn là có thể".

Trước đó, hôm 19/10, các trợ lý Nhà Trắng nói với tờ Politico rằng chính quyền của Tổng thống Biden đã không cảnh báo Kiev khả năng viện trợ của Mỹ với nước này sẽ bị dừng trong trường hợp đảng Cộng hòa nắm ít nhất một trong hai viện của Quốc hội sau bầu cử giữa kỳ. Tuy nhiên, theo họ, các quan chức Ukraine đã nhận được điều này có thể xảy ra. 

Mỹ là nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Mỹ đã viện trợ hơn 16,8 tỷ USD cho Ukraine, gồm các thiết bị quân sự tinh vi như hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu. Nga chỉ trích động thái này, cho rằng, nó chỉ khiến xung đột kéo dài và làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.