Ùn tắc giao thông trên tuyến Lê Văn Lương, do đâu?

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc quá tải gây ách tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Xây dựng nhiều cao ốc tại trục đường Lê Văn Lương là một phần tăng tải khiến giao thông khu vực này ùn tắc.

Xây dựng được 42% diện tích đất giao thông  

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022 do UBND TP Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo Sở QH - KT Hà Nội đã thông tin, lý giải làm rõ một số điểm trong Kết luận số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thanh tra tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính.

Trong đó, với nội dung kết luận thanh tra nêu việc nhiều dự án cao tầng tại tuyến Lê Văn Lương xây vượt tầng làm gia tăng dân số, gây quá tải về giao thông và hạ tầng xã hội khu vực, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho rằng, việc ùn tắc giao thông trên tuyến đường này cần nhìn nhận từ nhiều khía cạnh chứ không chỉ vì bố trí nhiều công trình cao tầng.

Theo lãnh đạo Sở QH - KT, khi làm quy hoạch, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu kỹ mạng lưới giao thông ở khu vực này nhằm đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, mới xây dựng được khoảng 42% diện tích đường theo thiết kế, còn nhiều đường, kể cả đường lớn như Hoàng Đạo Thúy chưa thông tuyến nên năng lực lưu thông chưa đáp ứng được thực tế. TP vẫn đang nỗ lực mở đường nhưng còn nhiều khó khăn về nguồn lực.

Sở GTVT Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh, tổ chức lại giao thông trên tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu để giảm ùn tắc.
Sở GTVT Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh, tổ chức lại giao thông trên tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu để giảm ùn tắc.

Bên cạnh đó, phân tích về nguyên nhân ùn tắc giao thông tại trục đường Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở QH - KT Phạm Quốc Tuyến cho rằng, việc ùn tắc thường diễn ra vào giờ cao điểm sáng - chiều, trong đó giờ sáng tắc bên chiều vào nội đô, giờ chiều tắc hướng ra ngoại ô.

Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở trục đường Lê Văn Lương mà ở hầu hết các tuyến đường xuyên tâm ra vào TP như đường 32, đường 6, đường 5 qua cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy... Có những tuyến đường không có nhiều nhà cao tầng cũng xảy ra tắc như đường 5.

“Xây nhà cao tầng đương nhiên có tăng tải lên giao thông, nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân khác cần được nhìn nhận. Trong đó nguyên nhân chính là lượng phương tiện giao thông tăng đột biến vào giờ cao điểm vì đây là tuyến xuyên tâm của TP” - ông Phạm Quốc Tuyến nhấn mạnh.

Về vấn đề này, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg (QHC 1259) đã tính đến và đã đưa ra giải pháp để từng bước khắc phục, như di dời một số cơ sở trường đại học, bệnh viện, cơ quan T.Ư… ra ngoài nội đô. Thủ tướng đã có Quyết định số 130/QĐ-TTg năm 2015 giao Bộ Xây dựng thực hiện việc di dời này, nhưng đến thời điểm này hầu như chưa triển khai. Do vậy có thể khẳng định việc chậm di dời các cơ sở cũng là một trong những nguyên nhân tập trung lượng phương tiện vào nội đô gây ùn tắc.

Để thực hiện theo Quyết định 130/QĐ-TTg, thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung để giãn dân khỏi nội đô. Cụ thể, các bệnh viện của Hà Nội đã được giới thiệu ra khu vực Quốc Oai, Hà Đông…, một số bệnh viện tuyến T.Ư khi có nhu cầu, TP cũng đã giới thiệu địa điểm xây dựng cơ sở 2, cơ sở 3, như bệnh viện K đã di dời xuống Thanh Trì và Hà Đông; bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đã di dời cơ sở 2 xuống Hà Nam.

Nhiều trường đại học đã được bố trí quỹ đất, như trường Đại học Thủ đô quy hoạch 40ha tại Đông Anh… Riêng đối với nội dung liên quan đến cơ quan T.Ư, TP Hà Nội không làm được và đã kiến nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện.

Đặc biệt, QHC 1259 đã xác định mô hình phát triển Thủ đô gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, trong đó các đô thị vệ tinh được xác định là những trục hút phát triển công nghiệp, đại học, viện nghiên cứu… sẽ góp phần giảm tập trung tại khu vực nội đô.

Tuy nhiên, việc xây dựng các đô thị vệ tinh đến nay gần như TP chưa triển khai được và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc quá tải, ùn tắc giao thông tại nội đô. Qua điều tra dân số, hiện việc di dân cơ học vào đô thị trung tâm quá lớn, vượt ngưỡng dự báo của quy hoạch. Theo Luật Cư trú thì ngành quy hoạch không thể quản lý, để giải quyết được phải là tổng quan của nhiều chính sách.

Cân đối công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật cho toàn phân khu

Về việc cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với các ô đất trên tuyến Lê Văn Lương và khu vực phụ cận, ông Phạm Quốc Tuyến cho biết, theo quy định Luật Quy hoạch, việc cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được thực hiện trên cấp độ quy hoạch phân khu.

Cụ thể, những công trình hạ tầng xã hội được xem xét cân đối trong các đơn vị ở, khu ở, đô thị (ví dụ các công trình nhà trẻ được cân đối trong các nhóm nhà ở, đối với trường tiểu học, trung học cơ sở được cân đối trong những đơn vị ở, còn trường trung học phổ thông bố trí trong khu nhà ở, đô thị).

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật (hệ thống đường giao thông khu vực, liên khu vực, san nền cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc) cũng được cân đối tính toán trên những đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các quận huyện.

Đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu chức năng đô thị thực hiện việc bố trí những chức năng sử dụng đất hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu và giải pháp đấu nối về hạ tầng kỹ thuật và các khu vực lân cận, liền kề. Quy hoạch chi tiết trục đường chỉ giải quyết chủ yếu những yếu tố về thiết kế đô thị, không gian kiến trúc cảnh quan, đấu nối kỹ thuật của các dự án với bên ngoài (chỉ tiêu thực hiện theo quy hoạch phân khu).

Tại một số dự án, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận điều chỉnh quy hoạch khi chưa tính toán hạ tầng kỹ thuật, theo ông Phạm Quốc Tuyến nội dung này cũng cần được xem xét lại cho phù hợp với bối cảnh và các quy định của từng thời kỳ.

Cụ thể, Luật Xây dựng năm 2003 nói chung cũng như tại khoản 3 Phần 6 Thông tư số 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng không có quy định, yêu cầu cụ thể về tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Mặt khác, tại đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu đã đề xuất cân đối các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo đơn vị ở tại những ô quy hoạch dọc hai bên tuyến đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị H2-2, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt.

 

Trong thời gian tới, để từng bước giải quyết tình trạng quá tải phương tiện tại các tuyến giao thông cửa ngõ, tuyến đường xuyên tâm trong đó có tuyến Lê Văn Lương, Sở QH – KT sẽ phối hợp với Sở GTVT báo cáo TP Hà Nội để đầu tư xây dựng các tuyến đường tại các vị trí quan trọng. Cùng với đó, xem xét lại việc phân bổ lại dân cư cũng như bố trí, tổ chức lại giao thông khu vực này - Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Phạm Quốc Tuyến

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần