Ứng dụng AI tạo ra thách thức về xác định bản quyền âm nhạc

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ca sĩ nhạc đồng quê Tift Merritt, với ca khúc nổi tiếng "Traveling Alone" trên nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify, đã chỉ trích trang web tạo nhạc bằng AI Udio đã nhái lại bài nhạc của cô và phát hành nó dưới tên “Holy Grounds”.

Những hãng phát hành âm nhạc lớn nhất thế giới đang tham gia vào vụ kiện. Ảnh: Reuters
Những hãng phát hành âm nhạc lớn nhất thế giới đang tham gia vào vụ kiện. Ảnh: Reuters

Merrit đã lên tiếng bảo vệ cho giới nghệ sĩ, cô cáo buộc sản phẩm của những trang tạo nhạc AI là “hành vi ăn cắp”. Vào tháng 4/2024, nhiều nghệ sĩ nổi danh toàn cầu như Billie Eilish, Nicki Minaj, Stevie Wonder và hàng chục nghệ sĩ khác đã chung tay gửi thư tố cáo các trang tạo nhạc rằng AI đang “phá hủy sự sáng tạo” và gây khó khăn cho những nghệ sĩ. 

Các hãng phát hành lớn như cũng thể hiện sự bức xúc. Sony Music, Universal Music Group và Warner Music đã kiện Udio và một công ty AI âm nhạc khác là Suno vào tháng 6. Đây sẽ là cột mốc bắt đầu của cuộc tranh chấp toàn cầu trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc. 

Suno và Udio, trong các phản hồi công khai trước đây, đã bác bỏ các cáo buộc vi phạm bản quyền và lập luận rằng các vụ kiện này có mục đích răn đe các đối thủ nhỏ hơn trong ngành. Họ so sánh các cuộc phản đối của các hãng đĩa với những lo ngại của ngành công nghiệp trước đây khi những công cụ sản xuất và nhạc cụ mới ra đời. 

Mitch Glazier, CEO của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA), cho rằng các trang tạo nhạc AI đang "lách luật một cách trơ trẽn khi phát hành những sản phẩm đạo nhạc chất lượng thấp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lượt phát và thu nhập của những ca sĩ và nhạc sĩ thật”. 

Các công ty AI cho biết họ cấm người dùng tạo ra bài hát bắt chước các nghệ sĩ hàng đầu, nhưng có bằng chứng rằng Suno và Udio có thể tái tạo yếu tố của các bài hát sở hữu bởi một số ca sĩ, cũng như mô phỏng giọng của các nghệ sĩ nhạc Pop trong quá khứ như ABBA và Bruce Springsteen.