Kinhtedothi - Hơn 12 giờ ngày 24/8/2016, gia đình ông Nguyễn Văn Nhu, tại tổ dân phố số 1 Ngọc Trục, phường Đại Mỗ rất phấn khởi khi được anh Đỗ Đắc Tiến, cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch phường trực tiếp đến tận nhà trao lại quyển sổ hộ khẩu đã xóa đăng ký thường trú cùng với bản chính - bản sao trích lục khai tử của cụ bà thân sinh mới mất, kèm theo “Lá thư chia buồn” của Chủ tịch UBND phường. “Chúng tôi thấy việc làm này rất tốt, tạo thuận lợi cho bà con giải quyết thủ tục nhanh gọn. Mong phường sẽ phát huy, nhân rộng dịch vụ này” - ông Nhu vui mừng nói. Công dân chỉ cần một lần đến phường Ông Nhu chỉ là 1 trong gần 150 trường hợp tại phường Đại Mỗ được nhận kết quả giải quyết hồ sơ hành chính ngay tại nhà từ đầu năm đến nay. Đại Mỗ cùng 9 phường khác của quận Nam Từ Liêm và 14 phường tại quận Long Biên đầu năm nay được TP chọn thí điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 cấp phường trong giải quyết TTHC về tư pháp (khai sinh, khai tử) và liên thông “3 trong 1” cho trẻ dưới 6 tuổi (đăng ký khai sinh - đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) - cấp thẻ BHYT). Đây cũng là phường duy nhất tại Nam Từ Liêm đã trả kết quả tận nhà cho công dân.
Phó Chủ tịch UBND phường Đinh Thị Kim Nhung nhớ lại: Khi bắt tay vào nhiệm vụ mới, cán bộ phải thao tác trên 2 máy tính và 4 phần mềm (của Bộ Công an, Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp, phần mềm Một cửa), trong khi các phần mềm chưa hoàn chỉnh, rất nhiều sai số, nhất là biểu mẫu chưa đồng nhất, nên dễ nhầm lẫn. Hơn nữa, không nhiều trong số gần 25.000 người dân Đại Mỗ biết đến khái niệm “DVCTT mức độ 3”, chứ chưa nói đến việc sử dụng. Dù vậy, với quyết tâm xây dựng “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, chúng tôi xác định “khó khăn đến đâu cũng phải gắng khắc phục, dần sẽ quen”, nên đã trao đổi với đơn vị được giao xây dựng phần mềm (Công ty Nhật Cường) để chỉnh sửa, bố trí cho cán bộ được tập huấn, trực tiếp trao đổi với lãnh đạo quận để gỡ vướng... Phường cũng tuyên truyền đến người dân về lợi ích của DVC bằng nhiều hình thức: Phát trên loa hàng ngày, niêm yết công khai tại bộ phận Một cửa và tổ dân phố; phổ biến sâu rộng các kế hoạch trong các cấp ủy Đảng, mặt trận khu dân cư…; lồng ghép nội dung xây dựng chính quyền điện tử trong các hội nghị đoàn thể... Theo bà Nhung, để làm giấy khai sinh cho con, người dân chỉ cần ngồi tại nhà, dùng điện thoại chụp hộ khẩu, giấy chứng sinh…, rồi gửi vào email. Cán bộ Tư pháp nhận được, hoàn tất thủ tục thì sẽ gửi email xác nhận đăng ký của công dân, kèm một “dự thảo” giấy khai sinh; công dân “đồng ý” thì cán bộ sẽ hẹn mang hồ sơ gốc ra UBND phường để đối chiếu (giữ lại hộ khẩu để bổ sung tên thành viên mới). Sau tối đa 3 ngày, công dân được cán bộ Tư pháp trả kết quả tại nhà. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng biết chụp ảnh, đính kèm PDF…, nên ngay khi bắt đầu triển khai, bộ phận Một cửa phường đã bố trí riêng một máy tính, một cán bộ trực tiếp hướng dẫn, đăng nhập hồ sơ lên mạng cho những công dân không biết đăng ký trực tuyến từ nhà, để không mất thời gian khai hồ sơ giấy. Ngay tại đó cũng đặt một quyển hướng dẫn in mầu giống như bảng hướng dẫn trên máy tính. Từ tháng 8/2016, phường còn bố trí một đoàn viên thanh niên ứng trực để hướng dẫn cho công dân. Thực tế lợi ích mang lại cho người dân từ DVCTT mức độ 3 được triển khai tại phường là rất lớn, nhất là trong giải quyết TTHC liên thông “3 trong 1” cho trẻ dưới 6 tuổi: Theo quy định mất 27 ngày, UBND quận giao cho các phường giảm còn 7 ngày nhưng Đại Mỗ rút xuống còn 3 ngày; người dân từ chỗ phải 6 lần đi lại 3 cơ quan thì nay chỉ 1 lần ra UBND phường nộp giấy tờ gốc và được nhận kết quả tại nhà. Với các TTHC liên thông “2 trong 1” (đăng ký khai sinh - đăng ký HKTT, đăng ký khai sinh - cấp thẻ BHYT, đăng ký khai tử - xóa đăng ký HKTT), người dân cũng được rút ngắn từ 11 ngày, 16 ngày và 6 ngày còn 2 ngày; từ chỗ 4 lần đến 2 cơ quan thì nay chỉ 1 lần đi nộp hồ sơ gốc và nhận kết quả tại nhà. Khi muốn giải quyết 7 TTHC khác về khai sinh, khai tử, họ không còn phải đợi cả ngày mà có kết quả chỉ sau 2 tiếng. “Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến hài lòng về DVCTT mức độ 3, rất phấn khởi khi được nhận kết quả tại nhà…” - bà Nhung cho biết. Đến giữa tháng 8, UBND phường đã tiếp nhận giải quyết 214 hồ sơ hành chính về tư pháp theo DVCTT mức độ 3, trong đó 137 hồ sơ liên thông và 12 hồ sơ khai tử được trả kết quả tại nhà. Kèm theo đó, UBND phường đã gửi gần 200 thư chúc mừng, thư chia buồn, thư cảm ơn, nhưng chưa phải gửi thư xin lỗi vì giải quyết quá hạn. Tuyên truyền để thấm dần Vừa làm khai sinh cho người nhà theo DVCTT mức độ 3, anh Nguyễn Đắc Thắng (tổ dân phố số 2 Ngọc Trục) đánh giá: Cách đây 4 - 5 năm, khi Đại Mỗ còn là xã thuộc huyện Từ Liêm, muốn làm khai sinh, người dân phải ra UBND xã kê khai tỉ mỉ, sang Công an huyện, rồi nửa tháng sau lại ra UBND xã mới lấy được kết quả. Giờ CNTT phát triển, UBND phường và các cơ quan phối hợp rất tốt, người dân có thể nộp hồ sơ tại nhà, chỉ 1 lần ra UBND phường nộp giấy tờ gốc, sau 2 - 3 ngày, được nhận ngay tại nhà không chỉ giấy khai sinh mà cả thẻ BHYT - đăng ký HKTT. Ngoài ra, người dân đến UBND phường làm các TTHC đơn giản như xác nhận sơ yếu lý lịch, công chứng…, có khi chỉ sau nửa giờ là có kết quả (trước mất 2 - 3 ngày). Được giải quyết nhanh gọn nên đa số họ không còn “sợ” ra cơ quan hành chính. Được hỏi vì sao biết đến DVCTT mức độ 3, anh Thắng cho biết: Hàng ngày loa phường đều phổ biến, các tờ niêm yết được dán công khai với hình thức trực quan. UBND phường còn tuyên truyền đến các tổ trưởng dân phố, rồi các bác thông báo đến các trưởng ngõ; trưởng ngõ lại phổ biến đến người dân thông qua trò chuyện hàng ngày, lồng ghép khi đi thu phí vệ sinh, ủng hộ bão lụt… Cũng theo anh Thắng, việc tuyên truyền để lớp trẻ sử dụng DVCTT khá thuận lợi, nhưng với người lớn tuổi không biết ứng dụng CNTT thì nên tuyên truyền trực tiếp nhiều hơn để họ thấy được lợi ích, từ đó nhờ con, cháu làm hộ. Đồng quan điểm này, Trưởng bộ phận Tư pháp - hộ tịch phường Đại Mỗ Đỗ Đắc Tiến cho rằng: Những khó khăn ban đầu đến nay cơ bản đã được khắc phục, song vì triển khai DVCTT này tương đối gấp nên nhiều người dân chưa “bắt kịp”. Trong số những trường hợp thực hiện DVCTT mức độ 3, chỉ khoảng 50% là đăng ký trực tuyến tại nhà, còn lại vẫn mang hồ sơ ra phường và được cán bộ hướng dẫn, thậm chí nhập hộ thông tin lên mạng. Hơn nữa, cán bộ có gửi email phản hồi nhưng nhiều công dân không truy cập, nên lại phải gọi điện, đây cũng đang là vướng mắc. Vì vậy, “cần có cách tuyên truyền phù hợp hơn cho loại DVC này, cần thời gian dài để người dân “thấm” dần về lợi ích, nhất là với người cao tuổi” - ông Tiến nhận định. Cũng theo ông Đỗ Đắc Tiến, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải tranh thủ buổi tối, buổi trưa hàng ngày trả kết quả tận nhà cho người dân, trong khi giờ hành chính vẫn phải hoàn thành việc chuyên môn. Do đó, rất mong TP có thêm chính sách hỗ trợ, dù nhỏ nhưng có ý nghĩa động viên lớn để cán bộ nỗ lực hơn. Ngoài ra, đơn vị viết phần mềm cần sớm hoàn thiện phần mềm, nhất là có thống nhất giữa các biểu mẫu của Bộ Tư pháp và Công an.
![]() Cán bộ Tư pháp - hộ tịch phường Đại Mỗ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. |
Nhằm tạo đột phá trong cải cách TTHC, bên cạnh thực hiện tốt DVCTT mức độ 3 với 11 loại TTHC lĩnh vực tư pháp và liên thông “3 trong 1”, “2 trong 1” đã triển khai, từ 1/9/2016, phường Đại Mỗ sẽ chủ động rút ngắn thời gian giải quyết 6 TTHC về LĐ-TB&XH và địa chính: “Xác nhận hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho người nhiễm chất độc hóa học” giảm từ 5 ngày còn 2 ngày, “cấp GCN khuyết tật” từ 35 ngày còn 20 ngày, “hồ sơ hỏa táng” từ 30 ngày còn 20 ngày, “hòa giải tranh chấp đất đai” từ 30 ngày còn 25 ngày, “tham vấn ý kiến cộng đồng về đề án bảo vệ môi trường chi tiết” từ 15 ngày còn 14 ngày, “xác định tình trạng nhà để phục vụ đăng ký cư trú” từ 3 ngày còn 2 ngày hoặc trả luôn trong ngày. Người dân chỉ 1 lần đến nộp hồ sơ và 1 lần nhận kết quả, không còn phải đi lại 3 - 4 cơ quan và chờ lâu như trước. Để đạt mục tiêu, trong những tháng cuối năm, phường sẽ tăng cường tuyên truyền bằng pa-nô, áp-phích, tổ chức hội nghị đối thoại với công dân về CCHC… |