UNICEF: Cần mở cửa trường học ở các cấp cho trẻ em Việt Nam

Hương Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-UNICEF Việt Nam bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng giáo viên rời khỏi hệ thống trường học vì họ đã phải tìm việc làm khác được trả lương sau nhiều tháng trường học bị đóng cửa.

UNICEF kêu gọi Việt Nam cần mạnh dạn hành động để đưa mọi trẻ em trở lại trường học.

UNICEF đặc biệt khuyến khích tất cả các trường học ở mọi địa bàn được đến trường. Ảnh: UNCIEF/Vu Le Hoang
UNICEF đặc biệt khuyến khích tất cả các trường học ở mọi địa bàn được đến trường. Ảnh: UNCIEF/Vu Le Hoang

Một khuyến nghị rõ ràng của UNICEF, tất cả các đối tác chính, nhà giáo dục, cũng như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng trường học nên được mở cửa cho học sinh ở mọi lứa tuổi bất kể tình trạng tiêm chủng.

Khi đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ ba, UNICEF Việt Nam hết sức lo ngại về tình trạng trẻ em mất đi cơ hội học tập và nguy cơ bất bình đẳng đang gia tăng đối với quá nhiều trẻ trên khắp cả nước.

Một báo cáo toàn cầu được công bố mới đây nhấn mạnh về yêu cầu cấp thiết phải giải quyết sự mất mát to lớn trong học tập mà trẻ em trên toàn thế giới phải hứng chịu. Đã có tổng cộng 2 nghìn tỷ giờ học trực tiếp bị mất đi do trường học đóng cửa kể từ tháng 3 năm 2020 và cứ 5 quốc gia thì có đến 4 quốc gia mà học sinh tại đó đã bị tụt hậu trong học tập.

Khi trẻ em không được tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè, việc học, kỹ năng nhận thức và phát triển trí não cũng như các kỹ năng xã hội và làm việc có được thông qua quá trình tương tác và giao tiếp đều sẽ bị ảnh hưởng. Thời gian nghỉ học dài sẽ gây ra các hậu quả còn lâu dài hơn nếu các vấn đề về việc mất tương tác và giao tiếp trực tiếp không được giải quyết kịp thời.

Sự gia tăng bất bình đẳng trong việc tiếp cận học tập có thể khiến cho giáo dục có nguy cơ trở thành yếu tố ngăn cách lớn nhất thay vì mục tiêu trở thành yếu tố bình đẳng quan trọng. Khi không đảm bảo được quyền tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, tất cả đều phải gánh chịu khó khăn, cộng đồng bị thiệt hại và nền kinh tế sẽ suy thoái.

Trong khi số lượng ca nhiễm Covid-19 đang giảm đi và tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành đạt ở mức cao, nguy cơ trẻ em nghỉ học lớn hơn rất nhiều so với rủi ro sức khỏe các em phải đối mặt ở trường. Viện dẫn sức khỏe là lý do để đóng cửa trường học chính là phủ nhận thực tế rằng khi trẻ không được đến trường hằng ngày, việc học tập và sự phát triển của trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực, sức khỏe tâm thần của trẻ bị ảnh hưởng trong khi nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh hiểm nghèo ở trẻ em vẫn ở mức thấp hơn.

Bà Rana Flowers - Đại diện UNICEF tại Việt Nam. Ảnh: UNICEF
Bà Rana Flowers - Đại diện UNICEF tại Việt Nam. Ảnh: UNICEF

Bà Rana Flowers - Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh khủng hoảng, chúng ta luôn buộc phải đánh đổi để đưa ra những quyết định khó khăn, và UNICEF hiểu rõ những thách thức chưa từng có mà đại dịch Covid-19 đã mang lại cho các trường học tại Việt Nam. Song, rủi ro đánh đổi trong những quyết định như thế này là quá lớn".

Việt Nam đang thực sự mở cửa một cách hiệu quả cho tất cả mọi người, ngoại trừ trẻ em khi chỉ số nghèo về học tập (Learning Poverty) của trẻ em vẫn tăng lên mỗi ngày. Việc cần làm là chung tay làm tất cả những gì có thể để tất cả trẻ em, kể cả trẻ mẫu giáo, được quay trở lại trường học ở mọi thành phố, thị trấn và làng mạc mà không vướng bận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Các biện pháp 5K giảm thiểu dịch bệnh giúp giữ an toàn cho trẻ em. Khoảng 99% ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam hiện đang không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Giáo dục thì không thể chờ đợi.

UNICEF đặc biệt khuyến khích tất cả các trường học ở mọi địa bàn, và đặc biệt là các trường tư thục và nhà trẻ trong những địa bànđó đặt trẻ em lên hàng đầu. Khi đưa ra lời kêu gọi này, UNICEF Việt Nam bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng giáo viên rời khỏi hệ thống trường học vì họ đã phải tìm việc làm khác được trả lương sau nhiều tháng trường học bị đóng cửa.

Chính phủ cần đầu tư hỗ trợ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để thu hút các giáo viên đã qua đào tạo trở lại lớp học và đầu tư vào các chiến lược bù đắp kiến thức thiết yếu hiện nay.

Bà Flowers nhấn mạnh chính phủ cần đưa ra một chiến lược phục hồi học tập vững chắc, đảm bảo hỗ trợ toàn diện cho trẻ em, đặc biệt tập trung vào nhóm trẻ thiệt thòi trong mỗi cộng đồng. Điều này có nghĩa là nhà trường cần triển khai các lớp học bù đắp kiến thức, hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe tâm thần và chế độ dinh dưỡng cũng như các dịch vụ cốt lõi khác.

Đồng thời, nhà trường cần đảm bảo không chỉ tập trung hỗ trợ cho các lớp lớn mà còn phải quan tâm đến nhóm học sinh nhỏ tuổi nhất ở các trường mầm non và tiểu học, vì các em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Ưu tiên bù đắp kiến thức trong những năm đầu đời là điều cần thiết để đảm bảo giải quyết tình trạng trẻ em thụt lùi trong học tập do Covid-19 gây ra, cũng như đảm bảo không bỏ lại cả một thế hệ ở phía sau.

 

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng việc đưa học sinh trở lại trường học trên địa bàn thành phố, dựa trên diễn biến thực tế của dịch Covid-19 và công tác chuẩn bị của các địa phương, nhà trường với phương châm được đặt lên hàng đầu là bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch tại địa phương, trên cơ sở kế hoạch tổ chức và nhu cầu hoạt động bán trú của các trường, các cơ sở giáo dục, xem xét và quyết định cho phép các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn được tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12 khi học trực tiếp.