United Airlines mất tiếng, mất cả “miếng”

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà nghiên cứu cho rằng, United Airlines đã "dại dột" làm “mất lòng” nhóm khách hàng châu Á, vốn đang đóng góp một lượng lớn chi tiêu vào Mỹ.

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ đoạn video quay cảnh lực lượng an ninh hãng hàng không United Airlines kéo lê một hành khách trên sàn để đưa người này rời khỏi chỗ ngồi. Trên đoạn video, nam hành khách gốc Á đã bị thương, thậm chí đổ máu. Theo người phát ngôn của United Airlines, chuyến bay mang số hiệu 3411 từ Chicago tới Louisville do tình trạng đặt chỗ nhiều hơn số ghế quy định (overbooking).
 Hình ảnh hành khách bị kéo xuống khỏi máy bay.
Vì vậy, United Airlines muốn đưa 4 hành khách rời khỏi máy bay để nhường chỗ cho 4 nhân viên của mình với mức đền bù 800 USD/người. Tuy nhiên, một nam hành khách gốc Á là ông David Dao đã từ chối vì ông là bác sĩ và đã có lịch hẹn với bệnh nhân vào buổi sáng hôm sau. Việc này đã dẫn đến hành động bạo lực của lực lượng an ninh máy bay.
Chỉ một đêm sau khi đoạn video ghi lại vụ việc được công bố, cổ phiếu của United Airlines đã nhận sự "trừng phạt" từ các nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4, cổ phiếu của United Continental Holdings - công ty mẹ của United Airlines đã giảm 1,1% khiến công ty này "bốc hơi" 225 triệu USD. Tổng cộng đã có khoảng 16 triệu cổ phiếu của United Continental đã được chuyển nhượng, nhiều hơn bất kỳ phiên giao dịch nào khác tính từ đầu năm nay. 
CEO của United Airlines đã 2 lần lên tiếng xin lỗi nhưng không cũng cứu vãn nổi tình hình. Trên mạng nhanh chóng xuất hiện làn sóng phản đối hãng hàng không Mỹ. Từ khóa boycottunited (tẩy chay United) hiện đang được sử dụng khắp các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter để chỉ trích hành vi bị lên án là “đáng xấu hổ” của hãng hàng không này. Một đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi giới chức Mỹ phải điều tra kỹ lưỡng vụ việc đã thu hút được tới 38.000 chữ ký ủng hộ.
Quan trọng hơn, nhiều nhà bình luận cảnh báo, hành động này không chỉ dẫn đến hệ quả tức thời mà còn kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài bởi lượng khách hàng châu Á đang là đối tượng chi tiêu lớn cho các công ty trên toàn cầu.
 Người Mỹ gốc Á biểu tình phản đối hãng hàng không.
Theo các thống kê, trong 15 năm tới, mức tăng trưởng của chi tiêu toàn cầu từ tầng lớp trung lưu đều đến từ khu vực châu Á. Các công ty toàn cầu đặt tại Mỹ đều nhắm vào đối tượng trung lưu châu Á để xây dựng chiến lược phát triển. Công ty Starbucks vừa công bố sẽ mở rộng diện cung cấp bảo hiểm y tế cho cha mẹ người lao động Trung Quốc để thu hút nhân tài. Trong khi Hollywood bắt đầu làm chuyển hướng làm phim nhắm đến người tiêu dùng ở châu Á. Ngoài ra, lượng sinh viên gốc Á tương đối lớn tại Mỹ đang là lời giải cho các trường học sống sót khi đối mặt với các vấn đề ngân sách.
Làm “phật ý” nhóm khách hàng gốc Á khiến United Airlines sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, ảnh hưởng đến cả danh tiếng và doanh thu của hãng hàng không này. Trên thực tế, cộng đồng gốc Á (chiếm khoảng 4,4% dân số Mỹ) đang phẫn nộ với hành động này của United Airlines. Một số cuộc biểu tình của người Mỹ gốc Á đã diễn ra tại sân bay bang Chicago, lên án tình trạng phân biệt đối xử với người gốc Á, tiếp tục khoét sâu thêm chia rẽ trong nội bộ Mỹ.