Trên thị trường tiền tệ thế giới, chỉ số ICE U.S. Dollar, so sánh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), vẫn duy trì ở mức 93,085 điểm sau khi giảm 0,4% trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Đồng USD tăng 0,1% so với đồng yen Nhật lên mức 109,160 yen sau khi trượt xuống mức 1 USD chỉ đổi được 108,720 trong ngày 11/8, mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua.
Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng gây tâm lý lo ngại với giới đầu tư, khiến họ có xu hướng lựa chọn các tài sản an toàn hơn như vàng và đồng yen Nhật.
"Tâm lý bất an của thị trường tài chính toàn cầu khó có thể chấm dứt ngay lập tức", Masafumi Yamamoto, phân tích trưởng về tiền tệ tại Chứng khoán Mizuho tại Tokyo nhận định.
Mặc dù Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ ở châu Á, có thể trở thành mục tiêu tấn công của Triều Tiên, nhưng đồng yen Nhật vẫn tăng giá mạnh. Trong ngày thứ Sáu, tỷ giá đồng Yên so với USD đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tuần, với 109,17 Yên đổi 1 USD. Ông Takuji Okubo, chuyên gia kinh tế trưởng của Japan Macro Advisors, giải thích đó là do Nhật Bản là một nhà đầu tư ròng ở nước ngoài, ở cả cấp độ nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức.
Bên cạnh đó, báo cáo lạm phát Mỹ cho kết quả không như kỳ vọng cũng hỗ trợ nhu cầu về vàng, khiến đồng bạc xanh mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường tiền tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 7 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, so với dự báo là 1,8% và mức tăng 1,6% trong tháng 6. Lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,7% đúng như dự báo.
Số liệu lạm phát có phần gây thất vọng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giãn lộ trình sớm tăng lãi suất.
"Số liệu lạm phát thấp dường như là một "đòn mạnh" đối với triển vọng của đồng USD”, theo Konstantinos Anthis, chuyên gia phân tích tại ADS Securities.
Trong phiên giao dịch này, đồng euro tăng 0,1% so với đồng USD, ở mức 1 euro đổi được 1,1824 USD sau khi ngân hàng Morgan Stanley nâng dự báo về đồng tiền chung châu Âu sẽ chạm 1,25 USD vào đầu năm sau.