Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres tuần này tuyên bố: “Một loại vaccine an toàn và hiệu quả có lẽ là chìa khóa duy nhất giúp thế giới bình thường trở lại”. Nhận định được đưa ra vào thời điểm nhiều quốc gia quá mệt mỏi vì các lệnh phong tỏa kéo dài, đang nhăm nhe mở cửa trở lại nền kinh tế khi dịch bệnh vừa có dấu hiệu chậm lại.
Tuy nhiên, đại dịch Covid -19 đã được định hình như các đợt sóng, mà theo TS. Ben Cowling - Giám đốc Trung tâm hợp tác về bệnh truyền nhiễm và kiểm soát dịch bệnh của Tổ chức y tế thế giới tại ĐH Hongkong - việc cách ly xã hội kéo dài 1 tháng chỉ giúp trì hoãn đỉnh dịch trong khoảng 3 tháng. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ các nước tưởng đã qua đỉnh dịch rơi vào vòng luẩn quẩn “bùng phát - đóng cửa”, một khi chưa thể có liệu pháp triệt để là vaccine.
Vì vậy, mọi hy vọng đổ dồn về công bố hôm 15/4 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rằng có ít nhất 70 loại vaccine tiềm năng chống virus SARS-CoV-2 hiện đang được điều chế trên toàn cầu, trong đó có 3 loại được cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người.
Theo một ước tính lạc quan nhất, trên điều kiện mọi việc suôn sẻ, các nhà khoa học dự đoán việc cho ra vaccine chính thức ngừa Covid-19 sẽ mất ít nhất 12 - 18 tháng. Mốc thời gian này có vẻ quá dài đối với công chúng, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu và phát triển vaccine tin rằng đó là tốc độ phi thường.
Bác sĩ Tippi Mak - Giám đốc Tổ chức Vaccine và Bệnh Truyền nhiễm, thuộc Trung tâm Vaccine Quốc tế, ĐH Saskatchewan, Canada cho biết, trung bình phải mất hơn 10 năm để một vaccine tiềm năng có thể trở thành vaccine được phê duyệt trong một chương trình tiêm chủng cộng đồng.
Rút ngắn một cách an toàn
Đối với đại dịch Covid -19, các nhà khoa học, lãnh đạo chính phủ và ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ để có thể tăng tốc các yêu cầu khác nhau, nhằm đáp ứng tốc độ phát triển của một số vaccine đã tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Ngoài vai trò hướng dẫn của WHO, Liên minh Sáng tạo Chuẩn bị Dịch tễ học (CEPI) - thành lập năm 2017 bởi các quỹ tư nhân và hỗ trợ của một số chính phủ - đã đầu tư vào một số dự án để giúp đẩy nhanh việc điều chế vaccine chống Covid-19.
Để tiết kiệm thời gian cần thiết cho việc phân tích và thảo luận, các chương dữ liệu thử nghiệm lâm sàng có thể được gửi để xem xét cập nhật trực tiếp, thay vì đợi đến khi hoàn thành toàn bộ dữ liệu lúc kết thúc thử nghiệm. Các mốc thời gian cho nhiều nghiên cứu thử nghiệm trên động vật và người vì vậy đang rút ngắn so với thông thường, nhưng được cho luôn phải cân nhắc cẩn trọng với các rủi ro tiềm ẩn.
Mỗi loại vaccine có ưu điểm và rủi ro riêng, tùy thuộc vào nền tảng mà nó được phát triển, chẳng hạn từ một phiên bản virus đã bị suy yếu hay bất hoạt, hoặc một phần của protein bề mặt, hoặc chuỗi RNA hay DNA…
Kế hoạch sản xuất cũng đang được đẩy nhanh ở một số nước, đơn cử như Mỹ đã mở rộng quy mô sản xuất cho một số lượng lớn các vaccine tiềm năng nhất định. Tỷ phú Bill Gates - người đang cùng vợ điều hành Quỹ Bill & Melinda Gates, đã công khai hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất cho một số vaccine tiềm năng chỉ mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng, dù biết rằng không phải tất cả các “ứng viên” đều sẽ vượt qua vạch đích.
Việc sản xuất sớm như vậy, cùng quy trình kiểm tra chất lượng được chủ động thực hiện, có thể giảm từ vài tuần đến vài tháng để sản xuất hàng tỷ liều vaccine cần thiết, cứu mạng nhiều người và cả nền kinh tế đang kiệt quệ. Tuy nhiên, đã có một số nghi ngại nổi lên xung quanh cơ chế tài trợ và phân phối công bằng cho bất kỳ loại vaccine nào được phát triển: Vaccine sẽ có giá bao nhiêu? Mọi người đều có thể tiếp cận? Công nghệ có thể được chia sẻ? Những quốc gia và nhóm dân cư nào được ưu tiên tiếp cận đầu tiên?
Và câu hỏi cuối cùng này sẽ là một bế tắc “ngưỡng cuối” trong cuộc chiến với đại dịch, khi các quốc gia có sự lây lan liên tục không đủ khả năng tiến hành chương trình tiêm chủng lớn. Vì vậy, cuộc đua vaccine được cho đang đòi hỏi thế giới sẵn sàng cho một sự lãnh đạo mạnh mẽ, quản trị trên toàn cầu và cam kết tập thể đối với công bằng xã hội.
Thách thức “phi khoa học”
Một trong hai rào cản nằm ngoài khả năng chuyên môn của các nhà điều chế vaccine ngừa Covid -19 chính là việc làm sao để đảm bảo rằng các chính phủ và công ty trên thế giới đầu tư đủ tiền cho mốc sản xuất năm 2021.
CEPI nói rằng cần khoản tài trợ ít nhất 2 tỷ USD cho việc phát triển và thử nghiệm, trong đó các chính phủ quốc gia đã hứa hẹn 690 triệu USD - mặc dù con số này đưa ra trước quyết định cắt giảm hỗ trợ cho WHO của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/4. Như vậy, vẫn cần thêm ít nhất 1 tỷ USD để thế giới được cho có thể thành công, trong khi Giám đốc điều hành của CEPI, Richard Hatchett lưu ý nó chưa bao gồm nhiều tỷ USD cần để giúp các công ty tăng quy mô năng lực sản xuất, ngay cả khi số sản phẩm đó cuối cùng không được sử dụng.
Ohid Yaqub - nhà nghiên cứu Chính sách y tế tại ĐH Sussex, Anh, hiến kế: “Chính phủ các nước có thể giúp các nhà sản xuất vaccine lên kế hoạch trước, bằng cách dự báo số lượng vaccine họ dự định mua hoặc đề nghị được tiêm chủng”.
Bên cạnh đó, đã có đề xuất thiết lập một cam kết thị trường, để mua vaccine với giá cụ thể trước khi nó được phê duyệt - như những gì đã diễn ra đối với việc phân phối vaccine ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ em, thông qua Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI).
Tuy nhiên, ngay cả khi nguồn vaccine đủ cung, một vấn đề khác được chỉ ra là việc không có gì đảm bảo rằng các quốc gia sẽ chia sẻ nó. Amesh Adalja - chuyên gia từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, Mỹ dẫn ví dụ về đại dịch cúm H1N1 2009. Australia lúc bấy giờ là một trong những nước đầu tiên sản xuất được vaccine, nhưng đã không xuất khẩu ngay lập tức vì họ muốn tiêm cho công dân của mình trước.
“Hầu hết các quốc gia đều có luật ban hành, cho phép chính phủ buộc các nhà sản xuất ngừng xuất khẩu trong tình trạng khẩn cấp” - ông Amesh nói. Đáng tiếc, điều này đã lặp lại trong dịch Covid - 19 trong nhiều tuần qua, đối với các lô hàng thiết bị bảo vệ y tế từ châu Âu hay Mỹ.
WHO đã từng vào cuộc để chống lại việc tích trữ vaccine. Sau khi dịch H5N1 bùng phát ở các quốc gia như Trung Quốc, Ai Cập và Indonesia, các nước thành viên của WHO đã thông qua nghị quyết khung chuẩn bị phòng chống dịch cúm (PIP).
Theo đó, các quốc gia cam kết cung cấp các mẫu virus cho một mạng lưới các phòng thí nghiệm do WHO điều phối, liên quan đến quyền truy cập vào kho dự trữ vaccine, chẩn đoán và thuốc của tổ chức trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm. Các quốc gia có thể sẽ đồng ý về một khung tương tự như PIP cho đại dịch hiện nay, nhưng rất khó để một thỏa thuận dự thảo kịp cho một Hội nghị Y tế Thế giới, dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới.
Ohid Yaqub - nhà nghiên cứu Chính sách y tế tại ĐH Sussex, Anh, hiến kế: “Chính phủ các nước có thể giúp các nhà sản xuất vaccine lên kế hoạch trước, bằng cách dự báo số lượng vaccine họ dự định mua hoặc đề nghị được tiêm chủng”. |