70 năm giải phóng Thủ đô

Văn bản cuối cùng của CPTPP được công bố, tạm hoãn hơn 20 điều

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn bản cuối cùng của CPTPP đã được công bố hôm thứ Tư (21/2), dấu hiệu cho thấy hiệp định này tiến rất gần với việc trở thành hiện thực.

Hơn 20 điều khoản được trì hoãn hoặc thay đổi trong bản cuối cùng, bao gồm các điều khoản về sở hữu trí tuệ.
 11 nước thành viên còn lại của CPTPP sau khi Mỹ rút lui.
Năm ngoái, hiệp định thương mại ban đầu gồm 12 thành viên đã rơi vào bế tắc do Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định.
11 nước thành viên còn lại, đi đầu là Nhật Bản đã hoàn tất hiệp định sửa đổi, đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến CPTPP sẽ được chính thức ký kết vào 8/3 tại Chile.
“Sự thay đổi lớn với TPP 11 là việc trì hoãn một số điều khoản gây tranh cãi của hiệp định, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến lĩnh vực dược phẩm”, GS Kimberlee Weatherall, trường Đại học Sydney cho biết.
Sự thành công của CPTPP được các nước thành viên còn lại đánh giá như một biện pháp chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và hy vọng Mỹ sẽ suy nghĩ lại.
Tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Trump đã phát biểu rằng, Washington có thể sẽ tái gia nhập CPTPP nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết, khả năng tái gia nhập của Washington trong 2 năm tới là rấ khó và không có gì đảm bảo rằng các thành viên sẽ dỡ bỏ các điều khoản được trì hoãn nếu Mỹ quay lại.
Ông Parker cho biết, thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
Ông Steven Ciobo - Bộ trưởng thương mại của Australia cho biết, TPP 11 sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ, dịch vụ của Australia và tạo ra những cơ hội mới trong khu vực mậu dịch tự do.
11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, tương đương 10 tỷ USD. Trước đó, nếu Mỹ góp mặt trong hiệp định, con số này là 40% GDP toàn cầu.