Phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Praha (Cộng hòa Czech) hôm 31/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, khối quân sự do Mỹ đứng đầu đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài với Nga nhưng vẫn có cơ hội ngăn điều đó xảy ra.
Các nước thành viên NATO đã chấp thuận cho Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga bất chấp cảnh báo từ Moscow.
Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Ukraine có quyền tự vệ, trong đó bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga.
Báo Magyar Nemzet của Hungary dẫn lời Ngoại trưởng Szijjarto cho biết, những bước đi này đang được thực hiện để chuẩn bị “cho một cuộc chiến tranh kéo lâu dài, trong nhiều năm”. Ông Szijjarto nói thêm: “Chuyến tàu tốc hành chiến tranh đã khởi hành từ ga áp chót”, và câu hỏi đặt ra là liệu còn cơ hội ngăn chặn nó hay không.
Ngoại trưởng Hungary lưu ý “chỉ còn một phanh khẩn cấp”, ám chỉ các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong tháng này. Theo Bộ trưởng Szijjarto, người dân châu Âu “có thể bày tỏ rõ với chính phủ rằng họ không muốn sống trong cảnh chiến tranh ở châu Âu trong thời gian dài”.
Hungary trước đó đã kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Chính quyền Budapest đã từ chối gửi viện trợ quân sự cho Kiev và nhiều lần trì hoãn các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow.
Ngoại trưởng Hungary là người chỉ trích mạnh mẽ quan điểm của NATO về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước cuộc gặp ở Praha, ông Szijjarto nói rằng “cơn cuồng chiến” chống Nga đang khiến các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng áp dụng “những ý tưởng điên rồ” và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev đang bước sang một giai đoạn căng thẳng mới khi Nga mở mũi tiến công mới ở vùng Kharkov trong bối cảnh Ukraine cạn kiệt vũ khí, đạn dược.
Đáp lại đề nghị của Ukraine, một số nước châu Âu đã "bật đèn xanh" cho phép nước này sử dụng vũ khí được phương Tây viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Một số quốc gia thành viên NATO khác như Na Uy, Phần Lan, Latvia, Ba Lan và có thông tin cả Đức đã lên tiếng ủng hộ Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/5 được cho là đã bí mật cho phép Kiev sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu ở khu vực của Nga giáp với vùng Kharkov.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 30/5 nói rằng, các quốc gia thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, đã “cố tình” phát động một đợt leo thang mới liên quan đến vấn đề Ukraine để kéo dài “cuộc chiến vô nghĩa”.
Ông Peskov cũng cảnh báo rằng những hành động như vậy sẽ gây ra hậu quả và làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia lựa chọn leo thang căng thẳng.
Trong diễn biến mới nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 31/5 cảnh báo, Moscow không nói đùa về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại Ukraine.
"Nga coi tất cả vũ khí tầm xa mà Ukraine sử dụng đều được quân nhân các nước NATO trực tiếp kiểm soát. Đây không phải là sự hỗ trợ quân sự mà là tham gia vào một cuộc chiến chống lại chúng tôi" - ông Medvedev ngày 31/5 bình luận.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho rằng hành động đó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn, đồng thời cảnh báo phương Tây sẽ mắc "sai lầm chết người" nếu nghĩ Moscow không sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại Kiev.
Cựu Tổng thống Nga cũng đề cập đến khả năng tấn công các quốc gia thù địch bằng vũ khí hạt nhân chiến lược. "Đây không phải là sự đe dọa hay đùa cợt về vũ khí hạt nhân. Cuộc xung đột với phương Tây đang phát triển theo kịch bản tồi tệ nhất, do NATO không ngừng leo thang việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine để tấn công vào các vùng lãnh thổ truyền thống của Nga" - ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia Zheng Runyu tại Trung tâm Nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, nhận định với hãng tin Tass rằng việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ sẽ chấm dứt cơ hội nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, điều này cũng làm leo thang cuộc xung đột hiện tại.