Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa giao thông và trách nhiệm của giới trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xây dựng một xã hội ATGT, hơn lúc nào hết, thanh niên phải tiên phong đi đầu, đặc biệt trong việc bảo đảm trật tự ATGT.

Thế nhưng, theo số liệu từ các cơ quan chức năng, thanh niên lại là đối tượng vi phạm và gây TNGT nhiều nhất (chiếm 70% tổng số vụ). Nghịch lý này đã đặt ra câu hỏi trách nhiệm cho giới trẻ trong việc xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông.

Những nỗi lo “dài lâu”

Khi tham gia giao thông không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều thanh niên, thậm chí là cả học sinh, sinh viên phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, thiếu ý thức chấp hành luật giao thông. Nhiều cậu ấm, cô chiêu, trong đó không ít cô, cậu chưa đến 16 tuổi chỉ nhờ bố mẹ, anh chị hướng dẫn “mấy đường cơ bản” rồi “coi trời bằng vung” cưỡi xe máy phóng ra đường. Để thể hiện cá tính không giống ai của bản thân, những thanh niên này thường đi dàn hàng ba, hàng bốn rồi đèo ba, đèo bốn, lạng lách đánh võng làm “huyên náo” nhiều khu phố và khiến người đi đường vô cùng hoảng sợ.
Cảnh sát giao thông lập biên bản đối với lái xe vi phạm tại nút giao Kim Mã - Liễu Giai. 	Ảnh: Công Trình
Cảnh sát giao thông lập biên bản đối với lái xe vi phạm tại nút giao Kim Mã - Liễu Giai. Ảnh: Công Trình
Thậm chí, có rất nhiều xe gắn máy do giới trẻ điều khiển được "biến hóa” với những nhãn mác, màu sắc nhem nhuốc dán khắp thân xe. Một số thanh niên còn tự ý thay đổi màu xe, tháo biển số xe và lắp hệ thống đèn chiếu sáng quá kích cỡ, gắn còi ô tô, còi hú trái quy định, đùa giỡn gây mất trật tự khi lưu thông trên đường. Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, số người vi phạm luật giao thông trong độ tuổi từ 15 - 35 chiếm gần 70% tổng số người vi phạm với một số lỗi phổ biến như chạy xe quá tốc độ, uống rượu bia quá mức quy định, vượt ẩu, lạng lách, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực kiềm chế TNGT trên địa bàn Thủ đô.

Trong thời gian qua, nhiều tuyến đường tại Hà Nội đã được sửa chữa, nâng cấp giúp cho người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, trong khi điều kiện cơ sở vật chất giao thông được đầu tư thì nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về ATGT còn hạn chế. Thanh niên khi điều khiển phương tiện chưa hiểu hết Luật Giao thông đường bộ, không chấp hành quy định về phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ nên ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT.

Nâng cao văn hóa giao thông cho giới trẻ

Để hạn chế các vụ TNGT do lứa tuổi thanh, thiếu niên gây ra cần thời gian và sự đầu tư công phu để đạt được kết quả như mong muốn. Chừng nào còn tiếp tục thực hiện những giải pháp “ Không dài hơi - Không đồng bộ - Không thực tế - Không nghiêm” thì chừng ấy còn chưa giảm được TNGT. Do đó, đã đến lúc phải có những phân tích, đánh giá thật nghiêm túc, khoa học nguyên nhân gây ra TNGT, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để đề ra cách làm thiết thực, hữu hiệu. Trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ cho thanh, thiếu niên trên tất cả các “mặt trận” với phương pháp phải lay động được ý thức của con người. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền về những hậu quả do uống rượu, bia khi tham gia giao thông, văn hóa giao thông… Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; tăng cường phối hợp với nhà trường và Đoàn thanh niên thường xuyên nhắc nhở các bạn trẻ chấp hành các quy định về ATGT.

Trong cuộc vận động văn hóa giao thông cũng nên có những tiêu chí rất cụ thể như thanh niên nếu vi phạm giao thông thì chắc chắn không được kết nạp Đoàn hay hưởng các quyền lợi chính trị khác. Công tác tuyên truyền này nếu chỉ thực hiện trong Tháng ATGT thì không đủ mà cần phải làm hết sức thường xuyên, bền bỉ và lâu dài. Bên cạnh đó, tăng cường, đẩy mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong việc giữ trật tự ATGT, phối hợp với Thành đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực bổ ích như: Ngày hội đoàn viên, thanh niên với văn hóa giao thông, Tọa đàm ATGT dưới góc nhìn người trẻ với nhiều tiểu phẩm, ý kiến của đoàn viên, thanh niên về Luật Giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, hậu quả vi phạm trật tự ATGT… Các hoạt động này nhằm giáo dục, động viên tuổi trẻ Thủ đô nói lên tiếng nói của mình, tuyên truyền đến đông đảo Nhân dân có ý thức chấp hành các quy định, xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ phương tiện, không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe. Bản thân mỗi người, nhất là thanh niên khi tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành các quy định về ATGT. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong đoàn viên, thanh niên là nhằm giúp cho mọi người ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người khác. Mỗi bạn trẻ hãy có những hành động thiết thực để góp sức xây dựng được nếp sống văn hóa trong giao thông. TNGT chỉ có thể thuyên giảm khi ý thức của mỗi người được nâng lên, mà trong đó thanh niên đóng vai trò then chốt - trước hết và trên hết.

Nguyễn Thị Thanh Hường Lớp 12A2, trường THPT Trung Giã, huyện Sóc Sơn