Văn hóa “súng đạn” đáng sợ của nước Mỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vụ xả súng ở nơi công cộng xảy ra liên tiếp khiến nhiều người thiệt mạng, đem lại sự bất ổn cho xã Mỹ. Súng đạn đã trở thành một thứ “văn hóa” đáng sợ, ám ảnh quốc gia số một thế giới này.

Mặt trái của giá trị dân chủ

Vào khoảng 11 giờ sáng, ngày 3/12, theo giờ địa phương, một vụ xả súng đã xảy ra tại trung tâm xã hội ở San Barnardino, bang California, Mỹ. Vụ xả súng đã khiến 14 người thiệt mạng, 17 khác bị thương và gây ra nỗi sợ hãi cho những người dân sinh sống tại đây. Nguồn tin từ cơ quan cảnh sát cho hay, các tay súng đã trang bị vũ khí và bắn trả lại lực lượng cảnh sát khi bị vây bắt. Điều này cho thấy các tay súng đã lên kế hoạch kỹ càng cho vụ tấn công.
Văn hóa “súng đạn” đáng sợ của nước Mỹ - Ảnh 1
Vụ việc này xảy ra chỉ một tuần sau vụ xả súng vào phòng khám tại bang Colorado. Nghi phạm tại vụ xả súng cũng đã chống trả với lực lượng chức năng 5 giờ trước khi bị bắt.

Diễn biến tại hai vụ xả súng này cho thấy, các vụ xả súng ở Mỹ xảy ra ngày càng “chuyên nghiệp” và nguy hiểm hơn , đe dọa lớn đến cộng đồng. Trong khi đó, chính quyền Washington vẫn đang bế tắc trong việc đưa ra quy định về việc kiểm soát súng đạn, mặc dù  ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, quyết tâm kiểm soát súng đạn đã góp phần mang lại chiến thắng cho Tổng thống Barack Obama. 

Điều đáng lo ngại là, việc sử dụng súng đạn gắn với một giá trị mà nước Mỹ vẫn tự hào bấy lâu nay: quyền tự do dân chủ. Hiến pháp Mỹ quy định, người dân có quyền giữ và mang vũ khí. Người dân Mỹ có quyền sở hữu súng cho mục đích tự vệ, chống áp bức và thực hiện các nghĩa vụ công dân phối hợp với nhà nước trong các hoạt động phòng thủ quốc gia cũng như các hoạt động săn bắn. 

Khi quyền lợi chi phối chính trị

Tuy nhiên, những vụ xả súng đã trở thành hiện tượng vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách và nạn nhân là những người vô tội. 
Sơ đồ cho thấy số vụ xả súng trong 1 ngày trên khắp nước Mỹ.
Sơ đồ cho thấy số vụ xả súng trong 1 ngày trên khắp nước Mỹ.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát súng đạn ở Mỹ mang nhiều yếu tố chính trị. Bởi quá nhiều người Mỹ sở hữu súng, ngành công nghiệp súng đạn có ảnh hưởng chính trị vô cùng to lớn. Kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sĩ để bảo vệ các lợi ích của mình.
Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), đại diện ngành công nghiệp súng đạn, là một trong những tổ chức vận động hành lang hùng mạnh và giàu thế lực nhất nước Mỹ. Cứ sau mỗi vụ xả súng, NRA mở chiến dịch vận động ủng hộ súng đạn

Vì vậy, các dự luật của Nhà Trắng đưa ra đều bị "treo" là điều không tránh khỏi và Tổng thống B.Obama đã hơn một lần phải cay đắng thừa nhận rằng, việc không thuyết phục được Quốc hội thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn là thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông từ năm 2009 tới nay, nhất là khi nước Mỹ liên tục phải đối mặt với các vụ nổ súng giết người vô tội.

Ứng viên Tổng thống Hillary Clinton đã lên án mạnh mẽ các vụ xả súng và cam kết sẽ đưa vấn đề kiểm sáot súng đạn trở thành một chủ đề trong cương lĩnh tranh cử của mình. Tuy nhiên, các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa, lực lượng chiếm đa số tại lưỡng viện chỉ chia buồn với các nạn nhân nhưng không đưa ra một phát ngôn nào về việc kiểm soát súng đạn. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng, việc có một quy định kiểm soát súng đạn ở Mỹ vẫn còn là chuyện xa vời.