Kinhtedothi - Trải qua hàng nghìn năm, rặng duối trồng bên đền - lăng Ngô Quyền ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) như những chứng nhân lịch sử.
Nằm cách khu di tích đền - lăng vua Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm) khoảng 300m, 18 cây ruối cổ hơn 1000 tuổi.
Tương truyền, đây là nơi Ngô Quyền buộc voi và ngựa chiến sau các cuộc tập trận cùng nghĩa quân để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán.
Lá duối hình trứng nhọn, dài khoảng 3-7 cm, rộng 1,5-2,5 cm, mép có răng khía. Mặt lá duối rất ráp nên người Việt Nam dùng như giấy nhám để làm nhẵn mặt gỗ.
Do là loài đơn tính, mỗi cây duối chỉ trổ hoa đực hoặc hoa cái.
Rặng duối được dân làng Cam Lâm coi như bậc Thần linh, luôn bao bọc, chở che và giúp đỡ người dân trong vùng.
Ngoài ra, người dân cho rằng rặng duối rất thiêng, mọi người đối với những gốc duối này bao giờ cũng phải có thái độ tôn kính, không ai dám tự động chặt phá; trẻ con chăn trâu cũng không dám bứt lá bẻ cành, sợ bị quở phạt.
Những gốc duối cổ thụ
Cùng với đền thờ và lăng Tiền Ngô Vương, rặng duối cổ ở Đường Lâm nằm trong quần thể di tích lích sử quốc gia, hàm chứa giá trị to lớn về văn hóa, tâm linh của đất nước và con người Việt Nam.
Ngày 22/4/2011, rặng duối cổ gồm 18 cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Việc công nhận rặng duối là Cây di sản nhằm bảo tồn nguồn gien thực vật quý hiếm ở Việt Nam. Được biết, nước ta đã có gần 70 cây đa, thị, lim, nghiến, gạo, thông, duối, muỗm... được công nhận là Cây di sản.