ESA, cùng với mạng lưới giám sát quốc tế, đang theo dõi vệ tinh ERS-2. Thời gian quay trở lại bầu khí quyển trái đất của vệ tinh này vẫn chưa xác định được cụ thể, do hoạt động khó đoán định của Mặt trời có thể làm thay đổi mật độ khí quyển Trái đất và cách khí quyển tác động lên vệ tinh.
Theo cơ quan này, vệ tinh ERS-2 có khối lượng ước tính là 2.294 kg sau khi cạn kiệt nhiên liệu, khiến nó có kích thước tương tự như các mảnh vụn không gian khác từng quay trở lại bầu khí quyển Trái đất trước nay.
Ở độ cao khoảng 80km phía trên bề mặt Trái đất, vệ tinh dự kiến sẽ vỡ ra và phần lớn các mảnh vỡ sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển. ESA cho biết một số mảnh vỡ có thể chạm tới bề mặt hành tinh nhưng sẽ không chứa bất kỳ chất độc hại nào và rất có thể sẽ rơi xuống đại dương.
Vệ tinh ERS-2 quan sát Trái đất được phóng lần đầu tiên vào ngày 21/4/1995 và đây là vệ tinh tinh vi nhất thuộc loại này vào thời điểm đó được châu Âu phát triển và đưa vào hoạt động.
Cùng với vệ tinh song sinh ERS-1, ESR-2 đã thu thập dữ liệu có giá trị về các chỏm cực, đại dương và bề mặt đất liền của hành tinh, đồng thời quan sát các thảm họa như lũ lụt và động đất ở những vùng sâu vùng xa. Theo cơ quan này, dữ liệu do ERS-2 thu thập vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Vào năm 2011, cơ quan này đã quyết định chấm dứt hoạt động của ESR-2. Vệ tinh đã thực hiện 66 thao tác khử quỹ đạo vào tháng 7 và tháng 8/2011 trước khi sứ mệnh chính thức kết thúc vào cuối năm đó. Các thao tác này đã đốt cháy phần nhiên liệu còn lại của vệ tinh và giảm độ cao của nó, khiến quỹ đạo của ERS-2 đi theo quỹ đạo xoắn ốc tiến dần gần về Trái đất hơn và quay trở lại bầu khí quyển trong vòng 15 năm.
Theo cơ quan này, khả năng con người bị thương do rác vũ trụ mỗi năm là không đáng kể, thấp hơn khoảng 1,5 triệu lần so với nguy cơ thiệt mạng trong một vụ tai nạn tại nhà.