70 năm giải phóng Thủ đô

Venezuela - cuộc khủng hoảng chưa có điểm dừng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Venezuela đã bị đẩy lên đỉnh điểm vào cuối tuần qua, khi cuộc tranh giành quyền lập pháp giữa Tòa án Tối cao (TSJ) và Quốc hội chính thức bùng nổ.

Động thái này của phía TSJ đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ, trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Freddy Guevara đã kêu gọi một cuộc biểu tình vào ngày 4/4 để yêu cầu phế truất 7 thẩm phán của TSJ. 

 Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Trên thực tế, cuộc tranh giành quyền lực giữa TSJ và Quốc hội đã diễn ra âm thầm trong hơn một năm qua. Kể từ thời điểm phe đối lập tại đất nước Nam Mỹ này giành quyền kiểm soát Quốc hội vào cuối năm 2015, trong bối cảnh “quốc gia dầu lửa” đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất chưa từng có, khiến tỷ lệ ủng Tổng thống Maduro xuống thấp kỷ lục. Đây là nguyên nhân chính khiến TSJ bác hầu hết tất cả các quyết định của Quốc hội. Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra sau khi TSJ thay thế vai trò của Quốc hội đưa ra phán quyết cho phép ông Maduro thành lập các liên doanh dầu khí mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Trước sức ép của dư luận quốc tế, đại diện TSJ đã phải rút lại tuyên bố giành quyền lập pháp của Quốc hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ được coi là tạm thời tháo gỡ được phần ngọn. Mấu chốt của cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất hiện nay của đất nước Nam Mỹ này là tình trạng sa sút kinh tế kéo dài hơn 3 năm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Triển vọng kinh tế của Venezuela trong năm 2017 được cho là không khả quan so với năm 2016, với mức suy giảm dự kiến ở mức trên 10%. Như vậy, đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ, nhiều khả năng sẽ tiếp tục là điểm yếu mà phe đối lập dùng để gây sức ép và buộc Tổng thống Maduro phải ra đi hoặc tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

Tổng thống Maduro tố cáo phe đối lập "đảo chính" và hối thúc phe này tiếp tục tiến hành đối thoại. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đối lập không chấp nhận đối thoại cho đến khi Chính phủ đáp ứng một số yêu cầu tổ chức bầu cử Tổng thống vào năm 2018.“Venezuela đang trải qua một giai đoạn nguy hiểm về chính trị”, ông Maduro phát biểu.

Vì vậy, trọng trách trên vai ông Maduro ở thời điểm này là rất nặng nề. Theo các nhà phân tích, để khai thông thế bế tắc chính trị hiện nay, chính quyền của ông Maduro cần giải quyết với những đòi hỏi thay đổi về cấu trúc chính trị cũng như về quản lý kinh tế trước tiên.