Vì đâu các nước giàu nhất cũng không còn hào phóng?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như đợt viện trợ Covid-19 đầu tiên ở các nước được cho tương đối hào phóng, nhằm tương xứng với cú sốc với nền kinh tế, thì những kế hoạch hỗ trợ mới được phát triển tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng bị thu hẹp.

Hàng dài xin trợ cấp thất nghiệp bên ngoài một văn phòng ở Franfort, Kentuky, Mỹ, ngày 17/6/2020. 
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các chính phủ trên khắp thế giới đã nỗ lực hết mình và nhanh chóng trong những nỗ lực ban đầu nhằm giảm bớt tác động kinh tế từ đại dịch toàn cầu, với khoảng 10.000 tỷ USD kế hoạch chi tiêu, tính đến tháng 6 vừa qua. Các ngân hàng T.Ư đã cho vay thêm, thông qua việc cắt giảm lãi suất, mua trái phiếu và một loạt các chương trình tín dụng khác.
Tuy nhiên theo Reuters, khoản chi tiêu ước tính 10 nghìn tỷ USD của IMF có lẽ vẫn chưa bao gồm 2 nghìn tỷ USD thiệt hại mà Covid-19 đã thổi vào nền kinh tế thế giới, khi sản lượng toàn cầu giảm 4,9% trong năm nay. IMF cho biết sẽ đưa ra các dự báo cập nhật và lời khuyên chính sách trước các cuộc họp mùa Thu, từ ngày 12 - 18/10.
Đáng nói, với sự hồi sinh liên tục các đợt lây nhiễm ở Mỹ và châu Âu, tất cả như đã ngầm thừa nhận thực tế rằng thế giới còn lâu nữa mới đạt được sự phục hồi. Với hàng chục triệu người thất nghiệp còn lại, đợt viện trợ thứ 2 này của các chính phủ chắc chắn vẫn sẽ ở mức hàng nghìn tỷ USD. Các ngành công nghiệp chính vẫn chịu áp lực từ những hạn chế được áp dụng từ hồi đầu năm để cố gắng ngăn chặn virus, trong khi niềm tin của công chúng vào các hoạt động thường ngày như ăn uống tại nhà hàng, du lịch... vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn.
Thích ứng với "bình thường mới"
Khoảng thời gian này, các quan chức đang đặt cược rằng virus có thể bị tiêu diệt mà không cần chuyển sang các đợt đóng cửa trên diện rộng, cho phép dần khôi phục hoạt động kinh tế toàn cầu. "Canh bạc" này - theo Reuters - sẽ quyết định liệu thế giới bước vào năm 2021 đã sẵn sàng phục hồi và có thể tận dụng tối đa bất kỳ loại vaccine ngừa Covid-19 thành công nào hay không, hay lại leo lên từ một hố sâu hơn nữa?
Trước mắt, các ngân hàng T.Ư lớn trên thế giới dự kiến ​​sẽ không thể làm gì hơn nữa so với những bước đi tích cực mà họ đã thực hiện, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng T.Ư Anh (BoE) vẫn đang thảo luận về việc mua thêm trái phiếu, thậm chí trong trường hợp của BoE sẽ là khả năng áp dụng lãi suất âm.
Tuy nhiên, nếu sự thúc đẩy của chính sách hồi đầu năm nay là để tiền ra nhanh, với ít ràng buộc, thì mục tiêu bây giờ đã cụ thể và chặt chẽ hơn. Chẳng hạn ở Vương quốc Anh, nó liên quan đến việc hoán đổi một chương trình thay thế tiền lương chung cho một công việc hỗ trợ "khả thi" - một bước mà các quan chức thừa nhận sẽ khiến một số người chịu thiệt, nhưng nhìn chung sẽ hỗ trợ đất nước chuyển đổi sang một thế giới hậu đại dịch.
"Các nguồn tăng trưởng kinh tế của chúng ta và các loại công việc chúng ta tạo ra sẽ thích ứng và phát triển theo trạng thái "bình thường mới". Nghĩa là kế hoạch của chúng tôi cần phải thích ứng", Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak gần đây tuyên bố, "khi nền kinh tế mở cửa trở lại, về cơ bản là sai lầm khi giữ mọi người làm những công việc chỉ tồn tại thông qua sự hỗ trợ của chính phủ".
Một nhà hàng vắng khách ở Covent Garden, London, Anh, ngày 13/3. 
Cân đối để trụ lâu
Khi các trường hợp Covid-19 mới đạt mức kỷ lục ở Pháp, Chính phủ nước này cũng chỉ cung cấp thêm tiền mặt cho các DN với các giới hạn mới, bao gồm phòng tập thể dục, nhà hát và quán cà phê ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong khi Đức cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng ca nhiễm, thì phản ứng kinh tế của nước này đã hướng tới tương lai hơn, với các chương trình đã được thiết lập để kéo dài đến cuối năm nay, một số trường hợp đến năm 2021.
Với sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và lo ngại về sự bùng phát trở lại của đại dịch, các quan chức Nhật Bản cho biết họ đã sẵn sàng triển khai các biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa để giảm bớt cú đánh, mặc dù có thể phải thu hẹp hơn so với những nỗ lực trước đó.
Tại Washington, các cuộc đàm phán bế tắc về việc chi tiêu nhiều hơn đã được nối lại giữa các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết ông muốn mọi khoản chi tiêu mới nào nhắm vào các DN nhỏ và các chương trình cho "trẻ em và việc làm", thay vì dàn trải rộng rãi và ít ràng buộc như trong Đạo luật CARES 2,6 nghìn tỷ USD hồi đầu năm nay.
Thậm chí, Đảng Cộng hòa đã ngỏ ý giới hạn chi tiêu mới chỉ một nửa trong số 2,2 nghìn tỷ USD mà đảng Dân chủ đề xuất hồi tuần trước.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics lưu ý, nếu không có sự trợ giúp nào nữa của Chính phủ được thông qua trong năm nay, nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong quý 4 và kéo sang năm sau, biến những khởi đầu là phục hồi nhanh hơn dự kiến ​​thành suy thoái mới, và trở lại tăng gấp đôi con số thất nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần