Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì đâu hòa đàm giữa Ukraine và Nga vẫn bế tắc?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vòng đàm phán vừa qua giữa Ukraine và Nga liên quan đến chiến sự nổ ra ngày 24/2 vẫn chưa đạt nhiều đột phá do vẫn còn bế tắc ở một số điểm.

Nga và Ukraine đang bàn thảo một thỏa thuận hòa bình, trong khi chiến sự vẫn nổ ra tại Ukraine kể từ ngày 24/2 khi Nga tuyên bố tiến quân vào nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ, với nỗ lực làm trung gian hòa giải, cho biết hai bên sắp đạt được thỏa thuận về các vấn đề quan trọng.

Trong khi đó,  Anh cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng các cuộc đàm phán hòa bình để câu giờ và tập hợp lại các lực lượng Nga.

Các vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm tìm giải pháp kết thúc chiến sự thời gian qua chưa đạt nhiều đột phá. 
Các vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm tìm giải pháp kết thúc chiến sự thời gian qua chưa đạt nhiều đột phá. 

Tổng thống Nga Putin khẳng định "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine là cần thiết do Mỹ đang sử dụng Ukraine để đe dọa Nga và Nga đã phải bảo vệ chống lại hành động "diệt chủng" những người nói tiếng Nga của Ukraine.

Về phía Ukraine cho biết, họ đang đấu tranh để tồn tại và những tuyên bố diệt chủng của ông Putin là vô nghĩa.

Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga mà Điện Kremlin cho là hành động tuyên chiến kinh tế của Mỹ và các đồng minh. Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh.

Vậy những vấn đề chính còn gây cản trở trong tiến trình hướng đến một thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moscow là gì?

Lãnh thổ: Phần khó khăn nhất của cuộc đàm phán

Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và hôm 21/2 vừa qua công nhận hai khu vực phiến quân do Moscow hậu thuẫn ở miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập.

Kể từ cuộc tiến quân, các lực lượng Nga đã nắm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ trên sườn phía nam của Ukraine, phía bắc Crimea, lãnh thổ xung quanh các khu vực nổi dậy và lãnh thổ ở phía đông và phía tây của Kiev.

Ít nhất 170.000 km2 lãnh thổ khác - một khu vực có diện tích tương đương Tunisia hoặc bang Bắc Dakota của Mỹ, tại Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Ukraine tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea, sự độc lập của các khu vực nổi dậy do Nga hậu thuẫn hoặc lãnh thổ rộng lớn do Nga kiểm soát.

"Lập trường của chúng tôi là không thay đổi," nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak nói. Ông cho biết Ukraine kiên quyết kêu gọi ngừng bắn, Nga rút ​​quân và đảm bảo an ninh mạnh mẽ.

Các quan chức Ukraine cho biết họ sẽ không chấp nhận việc sáp nhập lãnh thổ nước này hoặc công nhận các khu vực nổi dậy Luhansk và Donetsk do Nga hậu thuẫn. 

Quy tắc trung lập

Nga cho biết họ muốn Ukraine là một quốc gia trung lập. Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết Ukraine đã gợi ý rằng họ có thể trung lập như Áo hoặc Thụy Điển nhưng với quân đội riêng. Kiev đã phản bác lại điều kiện này.

Không rõ sự trung lập này được đề cập chi tiết ra sao. Khi Liên Xô sụp đổ, Quốc hội Ukraine trong Tuyên bố về Chủ quyền Nhà nước năm 1990 đã tuyên bố ý định trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn.

Hồi tháng 2, ông Putin nói rằng muốn có sự đảm bảo bằng văn bản rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố Ukraine sẽ không sớm trở thành thành viên NATO vì các thành viên NATO sẽ không chấp nhận Ukraine.

Nga cũng nhiều lần nêu quan ngại về việc Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân. Trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Mỹ, Nga và Anh đã đưa ra các đảm bảo an ninh cho Ukraine để đổi lấy việc Kiev tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Vị thế của tiếng Nga

Vị thế của tiếng Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine là một vấn đề lớn đối với Moscow. Một đạo luật được Ukraine thông qua vào năm 2019 đã cấp quy chế đặc biệt cho tiếng Ukraine và trở thành ngôn ngữ bắt buộc đối với những người làm việc trong khu vực công.

Luật bắt buộc mọi công dân phải biết tiếng Ukraine và đây là yêu cầu bắt buộc đối với công chức, binh lính, bác sĩ và giáo viên.

“Phi phát xít hóa”

Ông Putin nói rằng Ukraine đã cho phép các nhóm tương tự như Đức quốc xã thực hiện "tội ác diệt chủng" đối với các cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine.

Ông cũng xem sự hiện diện của các lực lượng tân phát xít như Azov trong quân đội Ukraine là một trong số lý do để tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và xóa bỏ chủ nghĩa phát xít ở Ukraine”.

Tiểu đoàn Azov, một bộ phận của lực lượng bảo vệ quốc gia Ukraine được thành lập vào năm 2014 từ những người tình nguyện chiến đấu chống lại các khu vực nổi dậy do Nga hậu thuẫn, những người sáng lập đã thể hiện quan điểm cực hữu và bài Do Thái. Các trợ lý của Tổng thống Ukraine đã nhiều lần đề cập đến vai trò của Azov trong việc bảo vệ thành phố cảng Mariupol nơi đóng trụ sở.

Ukraine bác bỏ những tuyên bố như vậy. Mặt khác, Tổng thống Zelenskiy cho rằng chính Nga đang hành xử giống như Đức Quốc xã bằng cách truy quét tàn phá các thành phố của Ukraine.