Vì sao Áo ngược dòng phương Tây, chưa thể “cai” khí đốt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thủ tướng Áo Karl Nehammer, việc cắt đứt ngay lập tức khí đốt Nga sẽ dẫn đến sự hủy hoại kinh tế và thất nghiệp hàng loạt.

Mặc dù đã cam kết chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027, song Áo vẫn đang duy trì lượng nhập khẩu khí đốt từ Moscow như thời điểm trước khi bùng nổ chiến sự tại Ukaine.

Áo vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.  Ảnh: Tass
Áo vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.  Ảnh: Tass

Không dễ “cai” khí đốt Nga

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt giá rẻ của Nga.

Đức, quốc gia nhận 55% nguồn cung từ Nga trước xung đột ở Ukraine, hiện nhập khẩu bằng 0. Ba Lan, Bulgaria và Cộng hòa Czech đã tạm dừng nhập khẩu hoặc sắp ngừng đón nhận dòng chảy khí đốt từ Nga. Trong khi đó, Italia đã liên tục cắt giảm nhập khẩu và cam kết sẽ thoát khỏi khí đốt Nga vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Áo đã một mình đi ngược dòng khi vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, 80% lượng dầu khí của Áo có nguồn gốc từ Nga. Tính đến tháng 5/2023, khoảng 50% lượng khí đốt ở Áo vẫn được nhập khẩu từ Nga. Trước đó, vào tháng 3, Áo thậm chí còn nhập khẩu đến 74% khí đốt từ Moscow.

Trong bài trả lời tờ Financial Times hồi tháng 7, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty năng lượng Áo OMV tuyên bố chừng nào Nga còn bán khí đốt, Áo sẽ tiếp tục mua. Thỏa thuận khí đốt hiện tại được OMV ký với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom vào năm 2018 sẽ có hiệu lực đến năm 2040.

Theo tờ New York Times, tính từ cuối tháng 2 năm ngoái, OMV đã chi khoảng 7 tỷ euro (7,7 tỷ USD) để mua khí đốt Nga. Công ty này cũng là một bên hỗ trợ tài chính cho dự án đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) vận chuyển khí đốt Nga qua Biển Baltic tới Đức.

Động thái này khiến Áo bị nhiều quốc gia châu Âu lên tiếng chỉ trích bởi họ cho rằng các khoản thanh toán khí đốt của Áo đang góp phần tài trợ cho Moscow trong cuộc chiến Nga – Ukraine.

Áo, quốc gia Trung Âu đầu tiên ký hợp đồng khí đốt với Liên Xô vào năm 1968, trong nhiều thập kỷ đã phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt từ Nga.

Vào năm ngoái, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cảnh báo, việc cắt đứt ngay lập tức khí đốt Nga sẽ dẫn đến sự hủy hoại kinh tế và thất nghiệp hàng loạt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cũng từng thừa nhận nước này chưa thể cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga bởi “Áo phụ thuộc 80% vào khí đốt của Nga.

“Không dễ dàng để xóa bỏ những chính sách đã kéo dài hàng năm, hàng thập kỷ chỉ trong vài tháng hay trong một năm” - Bộ trưởng Gewessler lưu ý thêm.

Là một quốc gia không giáp biển, Áo - không giống như Đức, Italia hay Hy Lạp - không thể xây dựng các bến cảng tiếp nhận tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mặc dù vậy, quốc gia Tây Âu này cũng đã cam kết chấm dứt nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào năm 2027.

Đối mặt suy thoái

Theo đài RT, nước Áo nói riêng và EU nói chung đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng vào năm ngoái do giá năng lượng tăng mạnh và chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. 

Theo RT, nền kinh tế Áo dự kiến sẽ giảm tốc đáng kể trong năm nay. Ảnh: RT
Theo RT, nền kinh tế Áo dự kiến sẽ giảm tốc đáng kể trong năm nay. Ảnh: RT

Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, nền kinh tế Áo dự kiến sẽ giảm tốc đáng kể trong năm nay do giá năng lượng bán lẻ vẫn ở mức cao, chi phí lao động tăng và tăng trưởng xuất khẩu yếu.

Tuần trước, Liên đoàn Công nghiệp Áo cảnh báo rằng các doanh nghiệp của quốc gia vùng Alps nên chuẩn bị cho một cuộc suy thoái trong năm nay và không nên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cho đến mùa xuân năm sau.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cuối tháng 7, Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp Áo Christoph Neumayer cho biết: “Theo đánh giá kinh tế vĩ mô, các dữ liệu kinh tế đến thời điểm hiện tại cho thấy Áo đang đối mặt giai đoạn trì trệ kinh tế kéo dài”.

“Các ngành công nghiệp nên chuẩn bị tinh thần cho một cuộc suy thoái từ tháng 10 năm nay đến tháng 3/2024” - hãng tin OTS dẫn phát biểu của ông Neumayer.

Ông Neumayer cũng đề xuất thực hiện các biện pháp có mục tiêu để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, tương tự như các bước mà chính phủ Áo đã thực hiện trong đại dịch Covid-19.

Nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Công nghiệp Áo, ông Christian Helmenstein, nói thêm rằng phần lớn các chỉ số kinh tế đều kém khả quan, đồng thời cảnh báo tình hình sẽ xấu đi trước khi phục hồi trở lại vào mùa Xuân tới.

Theo kết quả cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 7 với hơn 430 công ty ở Áo, chỉ số môi trường hiện tại và kỳ vọng trong 6 tháng tới đã giảm về mức 0 điểm, giảm kỷ lục so với 10,7 điểm trong cuộc khảo sát hồi đầu năm.