Vì sao “bão” Covid-19 tiếp tục hoành hành khắp châu Âu?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà virus học và chuyên gia y tế nhận định, sự kết hợp giữa tỷ lệ tiêm phòng thấp ở một số nơi, hiệu quả của vaccine suy giảm, cùng với tâm lý chủ quan của người dân khiến những ngày đen tối nhất của dịch Covid-19 đang quay lại châu Âu.

“Bão” Covid-19 tấn công nhiều nước châu Âu
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19 toàn cầu khiến nhiều quốc gia từ Baltic đến Địa Trung Hải đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng dịch khi mùa Đông khắc nghiệt đang cận kề.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc và số ca tử vong tại châu Âu đã tăng lần lượt 7% và hơn 10% trong tuần qua, khiến đây là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận hai chỉ số này cùng tăng. Theo báo cáo của WHO, gần 2/3 số trường hợp nhiễm Covid-19 mới trên thế giới, khoảng 1,9 triệu ca, là ở châu Âu.
 Hà Lan vào ngày 13/11 đã trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên kể từ mùa Hè áp đặt lệnh phong tỏa một phần. Ảnh: AP
Tại miền Trung Âu và Đông Âu, các yếu tố như sự nghèo túng, giáo dục y tế yếu kém, tin giả và tâm lý hoài nghi với vaccine đã khiến tỷ lệ tiêm chủng ở hai vùng này ở mức thấp nhất châu Âu. Vì thế, trong số 10 nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 mỗi ngày cao nhất EU có tới 9 nước Trung và Đông Âu.
Trong khi đó, Hà Lan, Pháp và Đức - những nước có tỷ lệ tiêm phòng vaccine Covid-19 chỉ thấp hơn vài điểm phần trăm so với các quốc gia Nam Âu nhưng cũng đang chứng kiến tình trạng số ca mắc mới tăng đột biến. Điều này phần nào phản ánh thách thức mà các chính phủ đang phải đối mặt.
Hà Lan vào ngày 13/11 đã trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên kể từ mùa Hè áp đặt lệnh phong tỏa một phần. Từng là quốc nới lỏng phần lớn biện pháp hạn chế trong mùa hè, Hà Lan hiện ghi nhận trung bình 609 ca mắc mới trên một triệu người mỗi ngày trong một tuần gần đây.
Tại Pháp, gần 69% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, theo Our World in Data. Số ca mắc mới ở Pháp tăng ở mức 2 con số mỗi tuần trong vòng một tháng qua dù chính phủ đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công công và xuất trình thẻ xanh Covid-19 khi vào nhà hàng, quán bar, lên máy bay hoặc tàu điện đường dài.
Trong khi đó, Đức, có hơn 66% người dân tiêm đã tiêm vaccine đầy đủ, cũng đang đối mặt làn sóng bùng phát dịch thứ tư và có thể là làn sóng nghiêm trọng nhất. Trong 5 ngày gần đây, Đức ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới mỗi ngày chạm mức cao nhất trong 2 năm trở lại, với 48.640 ca mắc mới vào ngày 12/11. Ông Michael Kretschmer, Thủ hiến bang Saxony - một trong số bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhận định làn sóng lây lan virus SARS-CoV-2 mới tại Đức đã lấn át các đợt dịch trước đó.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp, khả năng miễn dịch suy giảm ở những người được tiêm sớm và sự chủ quan ngày càng tăng của người dân về khẩu trang và quy định giãn cách sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế trong mùa Hè.
Chỉ tiêm ngừa vaccine là chưa đủ
Trong nỗ lực chặn đợt lây nhiễm Covid-19 mới, từ ngày 15/11, Áo đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm vaccine Covid-19 nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới đang có nguy cơ khiến hệ thống y tế quá tải. Áo đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất tại châu Âu với tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày qua là 815/100.000 người. Hiện khoảng 65% trong tổng dân số 9 triệu người tại Áo đã tiêm phòng vaccine Covid-19, mức thấp nhất tại khu vực Tây Âu. Trong khi đó, số ca mắc mới cao chưa từng có được ghi nhận ngày 13/11 vừa qua, với hơn 13.000 trường hợp.
 Làn sóng Covid-19 thứ tư đang càn quét tại châu Âu.
Cùng với việc đẩy nhanh kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường, chính phủ Đức đang soạn thảo một dự luật gồm nhiều biện pháp, trong đó có yêu cầu người lao động làm việc tại nhà nhằm khống chế làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ đầu dịch đến nay. Theo dự luật mới, các chủ lao động tại Đức buộc phải có phương án làm việc tại nhà cho nhân viên.
Tại Tây Âu, câu hỏi lúc này là liệu các nước trong khu vực này có thể kiểm soát đợt tái bùng phát Covid-19 mới mà không cần áp đặt trở lại lệnh phong tỏa toàn diện hay không. Theo các chuyên gia, các nước trong khu vực vẫn có khả năng khống chế được làn sóng dịch hiện tại, song điều quan trọng nhất là phải kết hợp hiệu quả giữa các biện pháp giãn cách xã hội, quy định đeo khẩu trang và bắt buộc tiêm chủng vaccine.
“Nếu một trong những biện pháp phòng ngừa này yếu kém, chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng diễn biến nghiêm trọng như đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu”, giáo sư miễn dịch học Antonella Viola tại Đại học Padua (Italia) nhận định.
Hans Kluge, Giám đốc WHO tại châu Âu hồi  tuần trước từng yêu cầu giới chức các nước cần tăng tốc kế hoạch tiêm chủng, bao gồm tiêm cho trẻ em và mũi tiêm nhắc lại cho nhóm rủi ro. “Đa số người nằm viện và tử vong vì Covid-19 hiện nay là người chưa tiêm chủng đầy đủ. Vaccine đã làm được những gì chúng hứa hẹn, đó là ngăn ngừa bệnh nặng và đặc biệt là giảm ca tử vong. Tuy nhiên, vaccine chỉ là vũ khí mạnh nhất nếu được dùng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa” -ông Kluge nhấn mạnh.
Theo ông Kluge, nếu được áp dụng một cách “hiệu quả và thống nhất”, các biện pháp phòng ngừa “cho phép chúng ta tiếp tục quay lại cuộc sống bình thường”. Chuyên gia WHO ước tính 200.000 người có thể sẽ được cứu sống nếu 95% người dân châu Âu đeo khẩu trang. “Các biện pháp phòng ngừa không những không tước đoạt quyền tự do của con người mà còn bảo đảm các quyền đó”, ông Kluge cho hay./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần