Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao các đảo Thái Bình Dương lại quan trọng với Mỹ đến vậy?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh cuộc đua cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gay gắt, Thái Bình Dương có vai trò thiết yếu trong chiến lược quân sự của cả 2 cường quốc.

Papua New Guinea nằm ở mũi phía nam của chuỗi đảo thứ hai, bao gồm quần đảo Ogasawara của Nhật Bản và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Các cơ sở quân sự ở khu vực này có vai trò quan trọng đối với hoạt động quân sự của Mỹ ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông. Không những vậy, quốc gia này cũng nằm trên tuyến đường biển quan trọng nối các Bắc Mỹ, Đông Bắc Á với Australia.

Trong đó, căn cứ Lombrum, đảo Manus của Papua New Guinea đóng vai trò như một điểm quá cảnh để hải quân Mỹ tiếp nhiên liệu và giám sát hàng hải với các dự án của hải quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Căn cứ hải quân Lombrum của Papua New Guinea có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Nguồn: Asia Times
Căn cứ hải quân Lombrum của Papua New Guinea có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Nguồn: Asia Times

Trả lời báo giới, tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ nêu bật tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ với các quốc đảo Thái Bình Dương.

"Rõ ràng chúng tôi đang  muốn phân tán sự chú ý của Trung Quốc ở càng nhiều nơi càng tốt. Thêm vào đó, chúng tôi đã xây nhiều sân bay trên các quốc đảo Thái Bình Dương".

Vào tháng 4/2022, Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, nằm ngay bên kia eo biển Bougainville từ Papua New Guinea. Điều này đã khiến Mỹ lo ngại về khả năng quân đội Trung Quốc thiết lập một căn cứ ở đó hoặc dùng vào việc tiếp tế, mở rộng phạm vi hoạt động gần chuỗi đảo thứ hai.

Ngay cả người trong cuộc cũng ý thức được tầm quan trọng của khu vực này. Trong chuyến thăm tới Canberra vào tháng 3/2023, Thủ tướng Samoa, Fiame Naomi Mata'afa cho biết: "Do những lý do liên quan đến vị trí địa lý mà chúng tôi có thể sẽ phải dính líu những căng thẳng xung quanh vành đai Thái Bình Dương. Vậy với những ưu thế hiện có của mình, làm thế nào để chúng tôi có thể thúc đẩy hòa bình khu vực và toàn cầu".

Vì tầm quan trọng địa chính trị của khu vực này, các nhà lãnh đạo Mỹ đã từng có những chuyến công du đến các đảo Thái Bình Dương nhằm nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác.

Năm 2018, cựu phó tổng thống Mike Pence từng đến thăm Papua New Guinea để tham dự Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC. Tại sự kiện này, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD mà ExxonMobil đã thực hiện ở Papua New Guinea. Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Australia và Papua New Guinea tại Căn cứ Hải quân Lombrum cũng như hứa rằng Washington sẽ bảo vệ chủ quyền và tự do hàng hải của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tháng 7 năm ngoái, Phó Tổng thống Kamala Harris đã phát biểu tại cuộc họp lần thứ 51 của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Bà thừa nhận rằng các quốc đảo này đã không nhận được sự chú ý tương xứng với vai trò của mình từ chính phủ Mỹ. Bà cũng cam kết sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa xứ sở cờ hoa và các quốc đảo có vị thế chiến lược quan trọng này.

Cũng vào tháng 9 năm ngoái, ông Biden đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Các Đảo Thái Bình Dương. Tại sự kiện này, các bên đưa ra tuyên bố về Quan hệ Đối tác Mỹ-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, gần đây với lý do liên quan đến giải quyết vấn đề trần nợ, ông Biden thông báo hủy chuyến đi đến Úc và Papua New Guinea. Giới phân tích hy vọng trong tương lai gần, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ có chuyến công du đến đây bởi những lợi ích địa chính trị mà Washington không thể bỏ qua.