Vì sao châu Âu lo ngại khi Belarus cảnh báo “đóng băng” khí đốt Nga sang EU?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đe dọa đình chỉ tuyến đường ống khí đốt từ Nga sang EU có thể khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng trầm trọng hơn.

Belarus cảnh báo chặn nguồn cung khí đốt sang châu Âu
Belarus vừa cảnh báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe nếu phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới nước này với Ba Lan.
 Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. 
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TRT (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 13/12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố Minsk sẽ sẵn sàng ngừng vận chuyển khí đốt tới châu Âu nếu các lệnh trừng phạt mới của phương Tây đẩy Belarus vào tình thế khó khăn.
"Nếu các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt hoặc sẽ áp đặt trong tương lai đẩy chúng tôi vào tình thế khốn cùng và chúng tôi không còn cách nào khác để đáp trả các biện pháp trừng phạt của họ, thì chúng tôi cũng sẽ sử dụng biện pháp nghiêm ngặt này", hãng tin BelTA trích dẫn lời ông Lukashenko trong cuộc phỏng vấn.
Được biết, đây không phải là lần tiên ông Lukashenko lên tiếng cảnh báo về khả năng nước này sẽ chặn luồng khí trung chuyển từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, tại cuộc họp chính phủ hôm 11/11 vừa qua, Tổng thống Lukashenko đe dọa cắt vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe, nếu Brussels mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Minsk.
Tình hình đã làm dấy lên những lo ngại mới về tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ngày càng trầm trọng và giá năng lượng tăng ở châu Âu. Điện Kremlin đã nói rõ rằng họ không muốn thấy bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung cấp khí đốt, đồng thời cảnh báo rằng đây sẽ là một sai lầm lớn nếu xảy ra.
Vai trò quan trọng của tuyến đường ống khí đốt đi qua Belarus
Tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe vận chuyển khí đốt từ bán đảo Yamal ở Artic (Nga) đến Ba Lan và Đức chạy qua lãnh thổ Belarus. Tuyến đường ống này có chiều dài 4.107 km, và đoạn tuyến ở Belarus dài 575 km.

 Một trong những trạm nén khí đốt thuộc đường ống Yamal-Europe chạy qua Belarus.

Đường ống Yamal-Europe qua Belarus hiện đang là tuyến đường ống trung chuyển an toàn và ổn định nhất nguồn cung khí đốt của Nga sang khu vực Tây Âu. Các tuyến đường ống khí đốt khác lại đang gặp khó khăn, như mạng lưới đường ống của Ukraine đã cũ và không đáng tin cậy. Trong khi đó, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 chạy dưới biển Baltic hiện đã được hoàn thành, nhưng chưa nhận được giấy phép hoạt động chính thức tại châu Âu.
Hiện khoảng 20% ​​lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) được quá cảnh qua Belarus, và phần lớn đều thông qua đường ống Yamal-Europe. Chính vì lý do này, tuyến đường ống Yamal-Europe đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Giới quan sát cho rằng việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đe dọa đình chỉ tuyến đường ống khí đốt từ Nga sang EU có thể khiến châu Âu sa vào một cuộc chiến khí đốt mới, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này.
Trong những tháng gần đây, châu Âu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng khiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh và liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục, vượt 1.000 USD/1.000 mét khối và tăng lên 2.000 USD/1.000m3 vào đầu tháng 10 vừa qua.
Các chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng thời tiết lạnh giá kéo dài có thể khiến các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu, mới chỉ lấp đầy được 62% công suất, hoàn toàn cạn kiệt vào tháng 2/2022.
Chính vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung khí đốt tại châu Âu có thể đẩy giá mặt hàng này tiếp tục leo dốc mạnh, gia tăng thêm lo ngại về chi phí đối với hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình. Đặc biệt, việc dừng vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Yamal-Europe sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu lục này.
Theo các nhà phân tích, để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng, EU có thể đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga. Không giống như các tuyến đường ống khác của Nga, dự án Dòng chảy Phương Bắc cung cấp khí đốt tự nhiên trực tiếp đến Đức qua biển Baltic./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần