Thiếu kết nối, hạ tầng nghèo nàn
Theo số liệu thống kê của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng không nhiều. Điều này dẫn đến thực trạng Quảng Ngãi thiếu vắng các khu, điểm du lịch quy mô và để lại dấu ấn đối với du khách.
Thực tế, hạ tầng du lịch của Quảng Ngãi khá nghèo nàn với 370 cơ sở lưu trú với tổng số 4.800 phòng. Trong đó, có 2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 1 sao và 72 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận: "Nhiều cảnh đẹp, di tích lịch sử ở miền núi, đồng bằng trên địa bàn tỉnh chưa được phát huy. Sự kết nối các tour, tuyến du lịch vẫn còn rời rạc. Quảng Ngãi chưa có một điểm nhấn cụ thể, rõ ràng để làm đầu tàu “kéo” ngành du lịch của tỉnh đi lên một cách mạnh mẽ. Mới chỉ có hạ tầng giao thông hỗ trợ cho du lịch, còn lại hạ tầng nghỉ dưỡng, ẩm thực rất hạn chế…".
Ông Trà Thanh Danh - Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi trăn trở: “Thực tế là việc hiện nay tại Quảng Ngãi, chỉ có Lý Sơn được biết đến nhiều nhất nhưng lại như một vùng độc lập, chưa thể liên kết được với các địa điểm khác trong tỉnh, nhất là khu du lịch Mỹ Khê - nằm ngay trên trục đường đi cảng Sa Kỳ để ra Lý Sơn”.
Theo ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, du lịch của tỉnh Quảng Ngãi đã tốt hơn thời gian trước đó. Tỉnh đã có nhiều sản phẩm du lịch, có chuyển biến mới về tư duy trong cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn chung, du lịch Quảng Ngãi chậm và phát triển kém hơn so với các tỉnh có điều kiện tương đồng.
“Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng…, rất khó thu hút du khách đến với Quảng Ngãi. Không cần nói đâu xa, Bình Định phát triển vượt xa so với Quảng Ngãi” - ông Đặng Văn Minh nói.
Để du lịch thực sự là “mũi nhọn”
Rút kinh nghiệm trong giai đoạn trước, Quảng Ngãi xác định, trong những năm tới, cần phải đổi mới tư duy, phương pháp quản trị, quản lý điều hành du lịch. Bên cạnh đó, tập trung kêu gọi cộng đồng tham gia phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng đề ra.
Theo ông Trà Thanh Danh - Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh TP bên dòng sông Trà, phát triển kinh tế biển, trước tiên phải cải thiện chất lượng môi trường, xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho du lịch của TP. Cùng với đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, chú trọng thu hút, kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện để phát triển và quảng bá du lịch. TP Quảng Ngãi cũng sẽ phát triển kinh tế đêm như phố ẩm thực, âm nhạc đường phố…
"Đặc biệt, theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, vùng biển Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi) là một trong 9 khu du lịch Quốc gia của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Do đó, việc đầu tư ở khu vực này sẽ tiếp tục được chú trọng" - ông Trà Thanh Danh nói.
Bên cạnh phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại và điều chỉnh quy hoạch ở du du lịch Mỹ Khê để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực vào khu vực này, TP Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong tỉnh để "hút" du khách.
Hướng đến mục tiêu xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung nhiều giải pháp. Trong đó, để phục hồi và phát triển du lịch sau dịch Covid-19, Quảng Ngãi đẩy mạnh việc lập quy hoạch phát triển ngành du lịch, xây dựng đề án phát triển ngành du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng kế hoạch định vị và phát triển thương hiệu cho du lịch Quảng Ngãi...
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, du lịch của tỉnh Quảng Ngãi đi sau, chậm hơn, nhưng từ đây lại có dư địa và điều kiện học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch từ nhiều nơi. Tuy nhiên, cần xác định rõ, phát triển du lịch không trông chờ vào nguồn lực Nhà nước, phải khai thác nguồn lực ngoài Nhà nước, từ doanh nghiệp, cộng đồng. Nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội với những nội dung doanh nghiệp, người dân không làm được.
Từ thực tế hạ tầng quá yếu kém so với nhu cầu phát triển du lịch và so với các tỉnh bạn, trong thời gian tới, Quảng Ngãi phải tranh thủ mọi nguồn lực ngoài Nhà nước để phát triển lĩnh vực này. Trong những năm tới, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh sẽ tập trung thực hiện những dự án giao thông lớn, mang tính kết nối đến các khu, điểm du lịch.
“Cùng với nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu đầu tư vào Quảng Ngãi và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng, chắc chắn du lịch Quảng Ngãi sẽ có bước đột phá” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tin tưởng.
Trong động thái có liên quan, hiện Quảng Ngãi đang tăng cường rà soát, kiên quyết thu hồi, nhất là các dự án nhà đầu tư thiếu năng lực, xin dự án để xí phần, bao gồm những dự án trong lĩnh vực du lịch, tránh lặp lại những thiếu sót trong công tác quản lý, thu hút đầu tư.