Vì sao EU chặn xuất khẩu ngũ cốc Ukraine đến 5 quốc gia thành viên?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU áp đặt biện pháp “đặc biệt và tạm thời” đối với ngũ cốc Ukraine để “giảm bớt tắc nghẽn hậu cần” ở Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia.

EU  tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc Ukraine đến 5 quốc gia thành viên, gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Ảnh: uniform
EU  tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc Ukraine đến 5 quốc gia thành viên, gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Ảnh: uniform

Liên minh châu Âu (EU) vừa áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine tới 5 quốc gia thành viên trong ít nhất một tháng. Biện pháp này có hiệu lực vào tối 3/5 và dự kiến ​​hết hạn vào ngày 5/6 trừ khi được gia hạn.

Đài RT đưa tin, Ủy ban châu Âu đã công bố “các biện pháp ngăn chặn đặc biệt và tạm thời về hàng nhập khẩu” đối với 4 mặt hàng trên để “giảm bớt tắc nghẽn hậu cần” ở Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Quy định của EU thay thế các lệnh cấm đơn phương được một số chính phủ trước đó ban hành.

Theo quy định mới, Kiev vẫn có thể sử dụng “thủ tục quá cảnh hải quan chung” để xuất khẩu ngũ cốc và dầu hạt cải sang các nước EU khác hoặc bên ngoài khối, nhưng không thể bán các mặt hàng này cho 5 quốc gia “tiền tuyến”.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Bulgaria, Hungary, Ba Lan và Slovakia đã “cam kết dỡ bỏ các lệnh cấm đơn phương” đối với 4 sản phẩm ngũ cốc và bất kỳ sản phẩm nào khác đến từ Ukraine”. Đổi lại, EU sẽ cung cấp “hỗ trợ tài chính” cho nông dân các nước này.

Thông báo của EC không tiết lộ cụ thể khoản hỗ trợ trên, nhưng tuần trước các phương tiện truyền thông đã đưa tin về gói hỗ trợ trị giá 100 triệu euro (110 triệu USD).

Theo EC, biện pháp này được ban hành để giải quyết những lo ngại của nông dân ở 5 quốc gia thành viên, đồng thời duy trì “cam kết mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Ukraine và khả năng xuất khẩu ngũ cốc của Kiev”.

Hồi đầu 4 vừa qua, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Bulgaria đã đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ Ukraine nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Romania không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, nhưng lại cùng với 4 nước khác kêu gọi Brussels giải phóng hàng hóa của Ukraine trong khu vực.

Năm ngoái, các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine đã được miễn thuế khi nhập cảnh vào EU, giúp nước này tiếp cận khách hàng Trung Đông và châu Phi trong bối cảnh xung đột với Nga. Phía Kiev nói rằng việc cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua EU và Sáng kiến ​​Biển Đen sẽ giúp các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực ở châu Phi và châu Á.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn sản phẩm này đã “hạ cánh” ở Đông Âu, tạo ra tắc nghẽn hậu cần, ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả và việc bán hàng của các nông dân trong khu vực.

Nhiều quốc gia Đông Âu, cụ thể là Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về dòng hàng hóa nông nghiệp giá rẻ từ Ukraine. Vào tháng 3 vừa qua, họ đã yêu cầu EU hành động, đồng thời kêu gọi liên minh tái áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp của Kiev.

Trong khi đó, ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn bị chặn tiếp cận với phần còn lại của thế giới do lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với ngành vận tải biển của Moscow. 

Nga gần đây cảnh báo sẽ ngừng tham gia Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen từ ngày 18/5 tới, trừ khi phần thỏa thuận liên quan đến cho phép xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Moscow được thực hiện.

Cuộc họp về thỏa thuận ngũ cốc dự kiến diễn ra tại Istanbul vào ngày 5/5 tới. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một cuộc họp sẽ được tổ chức tại Istanbul giữa các Thứ trưởng Quốc phòng của Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần