Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Hành lang Giao thông Bắc-Nam Quốc tế lại quan trọng với Nga đến vậy?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành lang giao thông này hứa hẹn là nhân tố chính thay đổi cuộc chơi thương mại toàn cầu.

Mặc dù còn khá lâu nữa dự án mới đi vào hoạt động, tuy nhiên các quan chức hai nước đã xem hành lang này là giải pháp thay thế cho kênh đào Suez.

Được biết Hành lang Giao thông Bắc-Nam Quốc tế (INSTC) gồm 7.200 km đường biển, đường sắt và đường bộ nối Mumbai với St Petersburg. Tuyến đường chạy từ miền bắc nước Nga qua Biển Caspi đến miền nam Iran được sử dụng để vận chuyển hàng hóa qua Eo biển Hormuz đến Biển Ả Rập, hay Ấn Độ Dương.

Moscow và Tehran hy vọng hành lang này là giải pháp thay thế kịp thời cho kênh đào Suez - một trong những tuyến vận chuyển quan trọng trên thế giới khi chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu - đồng thời giúp Nga và Iran nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Hành lang Giao thông Bắc-Nam Quốc tế được Nga và Iran xem là giải pháp chống lại lệnh trừng phạt phương Tây. Nguồn: Asia Times
Hành lang Giao thông Bắc-Nam Quốc tế được Nga và Iran xem là giải pháp chống lại lệnh trừng phạt phương Tây. Nguồn: Asia Times

Trong tháng này đã có hai thỏa thuận đã được ký kết nhằm phục vụ cho dự án trên, một trong số đó liên quan đến việc đóng và mua 20 tàu chở hàng.

Moscow cho biết phải mất 30 đến 45 ngày để vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Mumbai đến St Petersburg, nhưng sẽ được rút ngắn xuống 15 đến 24 ngày nếu quá cảnh qua Iran.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tin rằng INSTC sẽ giúp đa dạng hóa giao thông toàn cầu và mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho cả Iran và Nga. Tuy nhiên hai bên đang lo ngại rằng không có gì đảm bảo hành lang sẽ sớm được hoàn thành.

Thực tế, dự án này đã được hai bên bàn thảo từ 20 năm trước, nhưng dự án đã bị đình trệ nhiều năm vì khó khăn tài chính cũng như chính trị.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu Điện Kremlin có muốn đầu tư vào hành lang này nếu phương Tây không áp các biện pháp trừng phạt? Thậm chí một số nhà phân tích Iran còn cho rằng trước xung đột Ukraine, các quan chức Nga đã tỏ ra thờ ơ về tuyến đường sắt INSTC.

Chỉ khi tình hình ở Ukraine đe dọa việc vận chuyển của Nga trên Biển Đen, Điện Kremlin mới vào cuộc tìm kiếm giải pháp thay thế và tuyến đường này là sự lựa chọn tối ưu vì có thể vận chuyển hàng hóa từ cảng Novorossiysk ở Biển Đen đến Ấn Độ.

INSTC có thể được xem là nỗ lực của Nga trong việc chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây và duy trì giao thương với nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên chỉ một tuyến đường biển nối Nga và Ấn Độ qua Iran là không đủ đối với những gì Moscow đang gặp phải. Để hành lang thực sự hiệu quả, Điện Kremlin cũng sẽ phải hoàn thành tuyến đường bộ chạy từ miền bắc nước Nga qua Azerbaijan đến miền bắc Iran rồi đến Vịnh Ba Tư.

Tài trợ chính sẽ đến từ Nga

Vào ngày 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hợp đồng trị giá 1,7 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt Rasht-Astara, dự án ở miền bắc Iran này sẽ là tuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng trong hệ thống INSTC.

Nói cách khác, chính Moscow chứ không phải Tehran sẽ tài trợ cho việc xây dựng tuyến đường sắt dài 162 km giữa thành phố Rasht và Astara của Iran. Người ta tin rằng Nga cũng sẽ làm tuyến đường sắt nối Astara của Iran với thành phố cùng tên của Azerbaijan.

Theo ông Putin, Nga, Iran và Azerbaijan đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt và vận tải hàng hóa dọc tuyến Bắc-Nam.

Mặc dù trong lịch sử Nga từng xây dựng các tuyến đường sắt trong khu vực như tuyến đường sắt đầu tiên ở Iran nối Tabriz và Mashhad, cũng như Tehran và Isfahan, tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại, kế hoạch này của ông Putin vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

Bên cạnh đó, ngay cả khi Moscow và Tehran chịu trách nhiệm chính cho việc hoàn thành tuyến đường biển của INSTC, phần đất liền sẽ vẫn gặp khó khăn do mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Azerbaijan.

Nga sẽ mất ít nhất 4 năm để xây dựng đường sắt trong khu vực. Thêm vào đó, những khó khăn của Điện Kremlin ở Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ hành lang trên bộ tới Iran.