Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao khó kỳ vọng Trung Quốc "cứu" Hiệp ước INF?

Hương Thảo (Theo Global Times)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lời đề nghị Bắc Kinh tham gia INF tại Hội nghị An ninh Munich được chỉ ra là sự "ích kỷ" của Berlin.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại T.Ư. Đảng CS Trung Quốc Dương Khiết Trì trò chuyện cùng Ngoại trưởng Heiko Maas tại Munich hôm 16/2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 hôm 16/2 bày hy vọng Bắc Kinh nên tham gia vào các nỗ lực giải giáp quốc tế, cùng với Nga, Mỹ và châu Âu. Nhận xét của bà rõ ràng đã được chỉ đạo chống lại việc Washington và Moscow rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân chiến lược tầm trung (INF).
Ông Dương Khiết Trì - nhà ngoại giao hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc có mặt tại hội nghị - đáp lại rằng: "Chúng tôi (Trung Quốc) phản đối đa phương hóa INF".
Có thể hiểu rằng, Berlin đang lo lắng khi dưới sự "khai hỏa" của Mỹ, hiệp ước liên quan đến lợi ích của châu Âu đang tiến gần sự sụp đổ. Tuy nhiên, theo Global Times đánh giá, lời kêu gọi có phần "vội vàng" của bà Merkel đối với Bắc Kinh là "không phù hợp".
Washington cáo buộc INF thất bại vì Moscow không tuân thủ và Bắc Kinh không bị ràng buộc bởi hiệp ước. Và theo đó, Đức tin rằng càng nhiều quốc gia tham gia vào INF sẽ càng tốt, nhưng các quốc gia châu Âu dường như lại đang bỏ qua những rủi ro an ninh và nhu cầu tăng cường quốc phòng ở các khu vực khác.
Global Times lập luận, hiệp ước INF được ký kết bởi Mỹ và Liên Xô năm 1987 và đó là một sự thỏa hiệp giữa 2 siêu cường có cùng sức mạnh quân sự để giảm bớt các cuộc đối đầu của họ. Mặc dù Trung Quốc bây giờ mạnh đã mạnh hơn nhiều so với trước đây, nhưng sức mạnh hạt nhân nói riêng và quân sự nói chung của nước này vẫn chưa thể ngang bằng Mỹ để có thể tiến hành các cuộc đàm phán tương đương.
Bên cạnh đó, thế giới hiểu rõ rằng việc Washington kiên quyết rút khỏi Hiệp ước INF là một phần trong kế hoạch "Nước Mỹ là nhất" - thể hiện sự xem nhẹ hơn các nghĩa vụ quốc tế. Do đó, việc bà Merkel kéo một quốc gia châu Á vào INF được xem là sự quy phục đối với lợi ích của Mỹ và đáp ứng hoàn cảnh an ninh của riêng châu Âu - điều mà theo Global Times là sự "ích kỷ" của người Đức.
Cuối cùng, là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc chắc chắn sẽ trang bị các khả năng quốc phòng mạnh hơn so với hiện tại để tạo ảnh hưởng nhất định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa.
Vì tất cả những điều trên, lời kêu gọi như "bóng khí mỏng" của nữ Thủ tướng Đức đối với Bắc Kinh hôm 16/2 sẽ khó có thể mang đến điều gì đáng kể lúc này.