Vì sao Mỹ vẫn "hòa nhã" trước các phát ngôn của Tổng thống Duterte?

Lan Hương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước các phát ngôn gây shock của Tổng thống Philippines, giới chức Washington vẫn kiên nhẫn với chính sách đối ngoại "hòa nhã" bằng "cái đầu lạnh".

Thời gian gần đây, Tổng thống Philippines Duterte dường như đã có một những động thái chuyển dịch chính sách mạnh mẽ nhất ở châu Á kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi tuyên bố “ly khai” với đồng minh lâu năm là Mỹ và tiến gần hơn đến Trung Quốc.
Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, mặc dù các ông Duterte nổi tiếng với các phát ngôn “bốc đồng” khiến các đồng sự sau đó liên tiếp phải “chữa cháy”, điều này cũng cho thấy tư tưởng không “mặn mà” với Mỹ của lãnh đạo Philippines và báo hiệu, mối quan hệ Manila - Washington sẽ “hạ nhiệt” trong thời gian sắp tới. Trong khi đó, Trung Quốc đã hứa cung cấp cho Philippines các khoản vay trị giá hàng tỷ USD và ký kết đầu tư nhiều dự án hạ tầng đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, trái lại, giới chức Washington vẫn giữ thái độ hết sức “nhã nhặn”, thể hiện niềm tin vào quan hệ giữa 2 nước.
 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Philippines Perfecto.
Phát Ngôn viên Nhà Trắng tái khẳng định, liên kết truyền thống giữa Washington và Manila được xây dựng trên lịch sử 70 năm và cộng đồng người Mỹ gốc Philippines, cũng như các lợi ích an ninh chung. "Chúng tôi cũng vẫn là một trong những đối tác kinh tế mạnh nhất của Philippines; lượng đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Philippines là khoảng hơn 4,7 tỷ USD", ông Price nhấn mạnh.
Còn sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines ngày 23/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông cảm thấy Mỹ và Philippines "có thể hành động để vượt qua" giai đoạn khó khăn này. Washington chưa thấy Manila có hành động thực tế nào để tách khỏi Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ còn nêu bật những mối quan hệ mạnh mẽ và ổn định giữa 2 nước sau khi xuất hiện nghi ngờ về quan hệ song phương.
Lý giải về nguyên nhân Washington giữ động thái khá nhã nhặn trước một loạt gây shock phát ngôn của ông Duterte, các nhà bình luận phân tích, thực chất, Mỹ vẫn có sự ủng hộ lớn ở Manila, trong cả giới quân sự và công chúng. Hơn 3/4 người Philippines cho biết, họ có niềm tin lớn vào Mỹ, trong khi chưa đến 1/4 bày tỏ thái độ tương tự với Trung Quốc. Trong khi đó, phần lớn đội ngũ quân đội Philippines được đào tạo ở Mỹ, chưa hề nghĩ đến việc thay thế vũ khí, hỗ trợ về hậu cần của Washington bằng công nghệ của Moscow hay Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines trong vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Scarborough hiện vẫn chưa ngã ngũ và khả năng cả 2 nước khoan nhượng trong vấn đề này là bất khả thi.
Do đó, việc Mỹ không phản ứng thái quá với những phát ngôn “khó ưa” của Tổng thống Duterte là một động thái khôn ngoan, cây bút bình luận David Shipley của tờ Bloomberg nhận định.
Ngoài ra, Washington còn vô số yếu tố gây ảnh hưởng lên khu vực châu Á. Như Nhật Bản, đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực, cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines sau Mỹ và Trung Quốc, cũng đang bình tĩnh củng cố quan hệ với Manila qua chuyến thăm của ông Duterte tới Tokyo.
“Điều quan trọng là, khi đối phó với một cái đầu nóng, bạn cần phải có cái đầu lạnh”, nhà báo Shipley nhận định. Mỹ đã vượt qua những rào cản chiến lược với các cựu thù trước đây, bao gồm cả 2 đồng minh hiện tại là Nhật Bản và Hàn Quốc - và chắc chắn có thể làm như vậy một lần nữa, ông Shipley nhấn mạnh. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần