Vì sao Nga ngừng xuất khẩu dầu cho Ba Lan?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện dầu Nga chiếm khoảng 10% tổng dầu nhập khẩu của Ba Lan, nước láng giềng thân thiết của Ukraine.

Đường ống Druzhba không chỉ cung cấp dầu thô cho Ba Lan, mà còn chuyển dầu đến các nước Đức, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia. Ảnh: AP
Đường ống Druzhba không chỉ cung cấp dầu thô cho Ba Lan, mà còn chuyển dầu đến các nước Đức, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia. Ảnh: AP

Ngày 27/2, công ty vận hành đường ống dầu Nga Transneft cho biết đã ngừng xuất khẩu dầu sang Ba Lan do thiếu các giấy tờ cần thiết để chuyển hàng.

"Transneft hiện không vận chuyển dầu đến Ba Lan như dự kiến được bơm đến các cơ sở lọc dầu Ba Lan trong nửa cuối tháng 2" - đài RT dẫn phát biểu của ông Igor Demin - người phát ngôn Transneft.

Lý do vì công ty này không nhận được lệnh chuyển hàng nào cũng như chi phí trung chuyển.

Để vận chuyển dầu ra thị trường nước ngoài, Transneft cần có kế hoạch xuất khẩu được Bộ Năng lượng Nga phê duyệt, cùng lệnh chuyển hàng từ nhà sản xuất dầu. Theo ông Demin, do không đủ các giấy tờ cần thiết, Transneft đã loại nguồn cung cho Ba Lan khỏi kế hoạch chuyển dầu sang châu Âu.

Thông tin được Transneft đưa ra sau khi tập đoàn hóa dầu Ba Lan PKN Orlen ngày 25/2 thông báo đối tác Nga đã ngừng cung cấp dầu thô qua đường ống Druzhba, nhưng không nêu lý do cụ thể. PKN Orlen đã kịp chuẩn bị nguồn cung thay thế và đủ khả năng duy trì công suất bình thường của các nhà máy lọc dầu.

Theo ông Daniel Obajtek, CEO của PKN Orlen, dầu Nga hiện chiếm khoảng 10% tổng dầu nhập khẩu của Ba Lan.

Ba Lan đang mua dầu từ Nga theo hợp đồng có thời hạn đến tháng 12/2024. Theo hợp đồng, Nga sẽ cung cấp cho các nhà máy lọc dầu Ba Lan 200.000 tấn dầu/tháng thông qua đường ống Druzhba do Transneft vận hành.

Đường ống Druzhba không chỉ cung cấp dầu thô cho Ba Lan, mà còn chuyển dầu đến các nước Đức, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia. Liên minh châu Âu (EU) đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga qua đường biển từ ngày 5/12, nhưng vẫn cho phép nhập dầu Nga qua đường ống, chủ yếu để đảm bảo nguồn cung cho các quốc gia thành viên mà không giáp biển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần