Vài ngày trước cuộc họp quan trọng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, hai nhà cung cấp hàng đầu của liên minh, Ả Rập Saudi và Nga đang bất đồng về chính sách cắt giảm sản lượng.
Riyadh thể hiện sự thất vọng khi cho rằng Moscow không tuân thủ thỏa thuận của OPEC+ và không giảm sản lượng dầu như đã cam kết, gây khó khăn cho nỗ lực nâng giá dầu lên ít nhất ở mức giá hòa vốn là 81 USD/thùng.
Vì vậy, các quan chức Ả Rập Saudi hối thúc Nga tuân thủ cam kết giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay, The Wall Street Journal trích các nguồn tin thân cận cho hay.
Trong khi đó, Nga khẳng định đang cắt giảm sản lượng theo kế hoạch. Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi điều này do Moscow đã ngừng báo cáo về mức khai thác của nước này.
Dữ liệu cho thấy ngay cả khi Nga tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng, thì nguồn cung “vàng đen” của nước này ra thị trường quốc tế vẫn đang tăng lên, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm ở châu Á vốn do Ả Rập Saudi và các nhà khai thác Trung Đông khác thống trị.
Nhờ chiết khấu giá dầu cao hơn, Nga đã tăng mạnh thị phần của mình đối với hai nhà nhập khẩu dầu hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian gần đây. Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho cả hai nước này, theo dữ liệu của Vortexa.
Sự thất vọng của Riyadh có cơ sở vì vương quốc dầu mỏ không chỉ mất thị phần ở châu Á - khu vực nhập khẩu dầu quan trọng nhất, mà việc cắt giảm 500.000 thùng/ngày của chính họ đã không thể giúp giá dầu phục hồi.
Đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo, Nga đã không cắt giảm sản lượng dầu theo như cam kết khoảng 500.000 thùng/ngày, nước này thậm chí tìm cách tăng sản lượng để bù đắp doanh thu giảm.
Nga gần đây cũng ám chỉ rằng họ muốn các đối tác trong nhóm OPEC+ giữ nguyên sản lượng dầu, vì Moscow hài lòng với mức giá dầu và hạn ngạch khai thác hiện tại.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng giá năng lượng đang tiến gần đến mức "hợp lý về mặt kinh tế". Tuy nhiên, đối với Ả Rập Saudi, giá dầu dưới mức 80 USD/thùng là không ổn. Giá dầu Brent trong ngày 29/5 được giao dịch ở mức 77 USD/thùng.
Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Ả Rập Saudi cần giá dầu ở mức 80,90 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm nay.
Theo các cố vấn kinh tế của Ả Rập Saudi, nước này sẽ cần giá dầu cao trong 5 năm tới để thực hiện các dự án phát triển đầy tham vọng của họ, bao gồm cả dự án “siêu đô thị” NEOM có vốn đầu tư 500 tỷ USD.
Tuần trước, trước khi Nga ngỏ ý muốn OPEC+ giữ nguyên mức khai thác, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã một lần nữa cảnh báo các nhà giao dịch không nên bán khống dầu tương lai.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam tại OANDA cho hay: "Bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi có thể giúp trấn an tâm lý giới nhà đầu tư, song giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc trong tuần qua do thị trường thận trọng trước cuộc họp quan trọng của OPEC+”.
Hồi tháng 2 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết Nga sẽ tự nguyện giảm sản lượng dầu từ tháng 3 xuống 500.000 thùng mỗi ngày sau khi phương Tây áp biện pháp trần giá. Sau đó, Moscow gia hạn quyết định giảm nguồn cung đến cuối năm nay.
Trong một động thái bất ngờ vào đầu tháng 4/2023, Ả Rập Saudi và các thành viên khác của OPEC+ đã tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Quyết định này cùng với thỏa thuận giảm sản lượng trước đó đã nâng tổng khối lượng cắt giảm sản lượng của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, theo tính toán của hãng tin Reuters.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng năng lượng OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/6 tới để thảo luận về chính sách sản lượng dầu mỏ.