Vì sao nhiều nước phải “theo dõi chặt” biến thể Delta plus AY.4.2?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến thể phụ AY.4.2 của biến chủng Delta đang được nhiều nước theo dõi sát sao trước lo ngại rằng đột biến này khiến virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao hơn, thậm chí có khả năng lẩn tránh vaccine.

 Nhân viên y tế tại Phòng thí nghiệm Biogroup ở London làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngày 21/1/2021. Ảnh: AFP
Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền tại Đại học College London, cho biết biến thể phụ AY.4.2 có khả năng lây lan cao hơn 10% -15% so với biến chủng Delta và lây truyền dễ dàng hơn so với Ebola, SARS, MERS và bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Biến thể phụ AY.4.2 là gì?
Virus không ngừng biến đổi và virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc cuối năm 2019 cũng đã biến đổi nhiều lần khiến nó có khả năng lây lan cao hơn. Điều này được ghi nhận với biến thể Alpha (được giải trình tự gen đầu tiên ở Anh) khi nó lây lan trên toàn cầu trước khi có các biến thể khác nổi trội hơn như biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.
Delta được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách “biến thể đáng lo ngại” từ hồi tháng 5/2021 và hiện vẫn là biến thể nổi trội trên toàn cầu.
AY.4.2 là một trong 45 dòng phụ của biến thể Delta đã được ghi nhận trên toàn cầu. AY.4.2 mang hai đột biến trong protein gai mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào cơ thể người là Y145H và A222V. “Cả hai đột biến Y145H và A222V đã được tìm thấy ở nhiều chủng SARS-CoV-2 khác kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhưng vẫn ở tần suất thấp cho đến thời điểm hiện tại" - Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London, cho biết.
Ngày 22/10, các quan chức y tế Anh nói rằng nước này chính thức nghiên cứu biến thể AY.4.2 sau khi biến thể phụ này được ghi nhận trong số ca nhiễm tăng đột biến tại nước này. Anh ghi nhận khoảng 40.000-50.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày trong tuần trước.
Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết biến thể AY.4.2, vốn chiếm tỷ lệ 6% số ca nhiễm hồi tuần trước, được "đánh giá là một biến thể đang được nghiên cứu" nhưng chưa phải là một "biến thể đáng quan ngại."
Mặc dù AY.4.2 được giới chuyên gia đánh giá có khả năng lây lan cao hơn 10-15% so với biến thể Delta, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn liệu đây có phải là nguyên nhân khiến số ca nhiễm Covid-19 ở Anh tăng mạnh hay không.
Ravi Gupta -giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cho biết các đột biến tương tự dường như chỉ có tác động khiêm tốn đến sự liên kết giữa kháng thể và virus. Theo ông, cần phải phân tích thêm các đột biến này để hiểu đầy đủ cách biến thể AY.4.2 hoạt động.
Trong khi đó, Stephen Hoption Cann, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Đại học British Columbia, cho biết: "Chúng tôi cần nghiên cứu thêm về biến thể AY.4.2, và hy vọng nó không trốn tránh được hàng rào miễn dịch ở người đã tiêm phòng đầy đủ”.
Các chuyên gia nói gì về AY.4.2?
Hiện các quan chức y tế toàn cầu vẫn chưa bày tỏ lo ngại về biến thể phụ của chủng Delta và cho rằng điều quan trọng là phải tiếp tục theo dõi biến thể AY.4.2 chứ không nên hoảng loạn.
“Giới chức y tế các nước cần theo dõi sát sự tiến triển của biến chủng Delta để hiểu đầy đủ về cơ chế hoạt động của các đột biến mới của biến chủng gốc”- Tiến sĩ Sylvain Aldighieri, phụ trách Covid-19 của chi nhánh WHO tại châu Mỹ, cho biết tại một cuộc họp báo ngày 6/10.
Cũng có quan điểm tương tự, giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền của Đại học College London, đánh giá đây là biến thể hiếm gặp và cần theo dõi thêm.
Giới chức y tế Anh hôm 22/10 thông báo chính thức nghiên cứu biến thể AY.4.2 sau khi biến thể phụ này được ghi nhận trong số ca nhiễm tăng đột biến tại nước này. Ảnh; Reuters
Tại châu Á, Ấn Độ đã lên tiếng về một nhánh đột biến của biến chủng Delta với tên gọi là Delta plus. Hiện tại, biến chủng mới vẫn chưa có biểu hiện lan rộng hoặc nguy hiểm hơn biến thể Delta gốc.
Trong khi đó, các quan chức y tế Mỹ cho biết nước này cũng đang theo dõi chặt biến thể Delta plus có khả năng lây lan cao hơn biến chủng Delta gốc.
Bình luận về biến thể Delta plus, Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky hôm 20/10 nói rằng Mỹ cũng đã ghi nhận biến thể phụ này nhưng cho tới nay, không có sự gia tăng số ca mắc Covid-19 do AY.4.2.
Ngoài Mỹ, Israel cũng đã xác nhận ca mắc Covid-19 do biến thể phụ A.Y.4.2 ở một bé trai 11 tuổi nhập cảnh nước này ở sân bay Ben Gurion. Tại Nga, theo nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia Kamil Khafizov, sự bùng phát dịch Covid-19 đang diễn ra tại nước này có liên quan tới biến thể AY.4.2.
Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời cho biết, AY.4.2 hiện đang được theo dõi chặt chẽ, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể phụ này dễ lây hơn so với chủng Delta gốc. “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ biến thể phụ này và sẽ không ngần ngại hành động nếu cần thiết”, người phát ngôn này cho hay.
Chính phủ Anh không muốn tái áp đặt các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 dù nhiều chuyên gia y tế lo ngại các bệnh viện có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải vào mùa Đông sắp tới.
Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm Vaccine Oxford và đã tham gia trợ giúp phát triển vaccine AstraZeneca/Đại học Oxford, hôm 20/10 nói rằng, biến thể phụ của Delta sẽ không làm thay đổi bức tranh Covid-19.
Trong khi đó, giáo sư về miễn dịch tại London, ông Danny Altmann, nói với hãng CNBC hôm 18/10 rằng biến thể AY.4.2 cần phải được theo dõi chặt chẽ và kiểm soát thận trọng. “Do Delta hiện đang là biến chủng nổi trội ở một số khu vực trong khoảng 6 tháng qua và nhiều người hy vọng rằng biến thể này có thể sẽ là đột biến đỉnh điểm của virus. Tuy nhiên, AY.4.2 đã bắt đầu làm gia tăng sự hoài nghi về điều này”, chuyên gia Altman cảnh báo./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần