Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao OPEC+ khó có thể “xoa dịu” cuộc khủng hoảng dầu mỏ?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhóm OPEC+ nhiều khả năng sẽ không thay đổi quyết định tăng sản lượng được thống nhất trước đó dù chịu sức ép trong việc tăng sản lượng mạnh hơn.

OPEC+ có thể giữ nguyên kế hoạch sản lượng

Theo kế hoạch, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ nhóm họp trực tuyến trong ngày 30/6 để thảo luận về kế hoạch khai thác dầu thô cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Tại cuộc họp trực tuyến trong tuần này, OPEC+ có thể giữ nguyên kế hoạch tăng nhẹ sản lượng được thống nhất trước đó. Ảnh: Reuters
Tại cuộc họp trực tuyến trong tuần này, OPEC+ có thể giữ nguyên kế hoạch tăng nhẹ sản lượng được thống nhất trước đó. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia năng lượng nhận định rằng nhiều khả năng OPEC+ sẽ giữ nguyên quyết định tăng sản lượng như cuộc họp đầu tháng 6 bất chấp lời kêu gọi tăng mạnh sản lượng từ Mỹ và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7).

Theo Reuters, ít nhất 5 nước thành viên OPEC+ nói rằng tại cuộc họp chính sách sắp tới sẽ chỉ tập trung vào việc thực hiện kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 8 và sẽ không thảo luận về việc điều chỉnh nguồn cung cho tháng 9.

Trong cuộc họp chính sách hôm 2/6 vừa qua, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hàng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày.

Mặc dù vậy, giá dầu tiếp tục leo dốc và nguồn cung thắt chặt tiếp tục tạo sức ép về việc OPEC+ cần tiếp tục tăng mạnh sản lượng để hạ nhiệt giá “vàng đen”.

Theo các chuyên gia, hiện một số nước như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khó có thể tăng thêm sản lượng dầu. Trong khi đó, bất ổn chính trị tại Libya và Ecuador cũng cản trở nỗ lực bơm thêm dầu ra thị trường của liên minh. Bên cạnh đó, một số thành viên OPEC+ không thể đáp ứng hạn ngạch của họ.

Chuyên gia phân tích dầu mỏ Homayoun Falakshahi của Kpler nhận định: “Chúng tôi không kỳ vọng OPEC+ sẽ có quyết định bất ngờ về việc điều chỉnh tăng mạnh nguồn cung ra thị trường vì liên minh do Saudi Arabia và Nga đứng đầu đã không thể đáp ứng hạn ngạch tăng sản lượng trong tháng 5 vừa qua”

Quan ngại về suy thoái kinh tế

Cuộc họp chính sách của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá dầu giảm phiên thứ tư liên tiếp trong ngày 30/6 khi lượng xăng và các sản phẩm chưng cất dự trữ của Mỹ tăng và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã lấn át tình hình nguồn cung thắt chặt. Cụ thể, giá dầu Brent sụt 45 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống còn 112,00 USD/ thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ mất 57 xu Mỹ, khoảng 0,5%, về mức  109,21 USD/thùng.

Giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp trong ngày 30/6 do lo ngại về kinh tế toàn cầu giảm tốc. Ảnh: Reuters
Giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp trong ngày 30/6 do lo ngại về kinh tế toàn cầu giảm tốc. Ảnh: Reuters

Trước thềm cuộc họp chính sách của OPEC+, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27/6 đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu tăng sản lượng với khối lượng "đặc biệt”.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo nhu cầu dầu mỏ có thể giảm mạnh nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Theo CNN, các nhà phân tích của Citigroup nói rằng “nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong vòng 18 tháng tới ngày càng trở nên rõ rệt".

Theo các chuyên gia, các nước OPEC+ không thể ngăn chặn suy thoái bằng cách bơm thêm dầu. Và nếu một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, việc tăng mạnh sản lượng có nguy cơ làm giảm giá dầu thô và gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ. Các quốc gia duy nhất có thể tăng khả năng công suất dự phòng nhiên liệu, gồm Saudi Arabia và UAE, khẳng định rằng thị trường dầu mỏ đang cân bằng và không cần phải sản xuất thêm.

Phát biểu với đài CNN, Yousef Alshammari - Giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu tại CMarkits ở London, cho biết: “Các nước thành viên OPEC+ cho rằng tác động kinh tế từ quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương vẫn chưa được thị trường dầu cảm nhận, vì vậy họ cần thận trọng trong việc đưa ra bất kỳ quyết định nào về chính sách sản lượng”.

Theo dự kiến, trong tháng 7 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm Vùng Vịnh, trong đó có Ả Rập Saudi để thảo luận về vấn đề sản lượng dầu. Đã có suy đoán rằng Riyadh có thể bổ sung thêm sản lượng dầu như một hành động thiện chí. Nhưng Ả Rập Saudi, nhà sản xuất có công suất dự phòng lớn nhất, đã lên tiếng cảnh báo về khả năng tiếp tục bơm thêm dầu của các quốc gia dầu mỏ đang giảm dần.