Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao OPEC và Nga không lo ngại “sóng thần” Omicron?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng nguồn cung từ tháng 2 tới khi nhận định biến thể Omicron sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng thế giới.

Kết thúc cuộc họp chính sách trong ngày 4/1, nhóm OPEC+ gồm 23 thành viên quyết định tăng sản lượng dầu lên thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 2/2022 như đã thống nhất hồi tháng 7 năm ngoái để bù đắp mức cắt giảm lớn của năm 2020. Theo một quan chức của OPEC+, liên minh do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu, dự đoán tình trạng dư thừa nguồn cung có thể xảy ra sau thời điểm Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu khác bắt đầu “xả” kho dự trữ dầu mỏ chiến lược.

Omicron chỉ tác động tạm thời tới thị trường dầu

Hoạt động khai thác dầu tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Hoạt động khai thác dầu tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Liên minh OPEC+ nhận định rằng ảnh hưởng của biến thể Omicron đối với thị trường dầu mỏ không lớn và chỉ trong ngắn hạn, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 ở mức hơn 4 triệu thùng/ngày.

Reuters trích một báo cáo từ Ủy ban kỹ thuật chung (JTC) của OPEC+ cho biết tác động của biến thể Omicron mới sẽ không lớn và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, khi các nước trên thế giới đã được trang bị tốt hơn để đối phó với dịch Covid-19. Theo báo cáo này, OPEC cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2021 và 2022 và lần lượt ở các mức 5,7 triệu thùng/ngày và 4,2 triệu thùng/ngày.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 2/12/2021, OPEC+ thống nhất tiếp tục kế hoạch tăng 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022, bất chấp những lo ngại rằng biển thể Omicron và việc Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu thô có thể sẽ đẩy giá dầu đi xuống.

Một nguồn tin từ OPEC+ nói rằng liên minh này không lo ngại về viễn cảnh kho dự trữ dầu mỏ của các nước sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại về mức trước khi đại dịch bùng phát. Theo dữ liệu của OPEC, dự trữ ở các quốc gia phát triển hiện thấp hơn 170 triệu thùng so với mức trung bình của họ trong giai đoạn 2015-2019.

Động thái mới nhất của OPEC+ ngay lập tức nhận được phản ứng tích cực từ Mỹ - quốc gia muốn bơm thêm dầu vào thị trường để hạ giá nhiên liệu.  "Người Mỹ sẽ chứng kiến giá dầu giảm xuống nhờ đợt tăng sản lượng này" - hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói.

Thị trường dầu tiếp tục khởi sắc ngay sau quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng nguồn cung của OPEC+ khi giá dầu Brent lên đến 81 USD/thùng vào ngày 4/1, còn giá dầu WTI chạm ngưỡng 77 USD/thùng - mức cao nhất từ cuối tháng 11/2021.

Trong năm 2021, giá dầu Brent đã tăng giá 50% và Ngân hàng Bank of America dự đoán giá dầu có thể đạt đỉnh 120 USD/thùng vào giữa năm 2022. Các quan chức OPEC+ nói giá dầu tăng là do niềm tin nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục phục hồi, họ không sợ việc tăng sản lượng sẽ làm giá dầu giảm.

OPEC+ không còn nhiều dư địa để tăng mạnh nguồn cung

Ước tính về nguồn cung dư thừa lớn trong quý I/2022 chủ yếu dựa trên giả định rằng OPEC+ có thể cung cấp mức tăng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch trong sản lượng tổng thể mỗi tháng. Tuy nhiên, nhóm OPEC+ đã không đạt được các mục tiêu sản xuất chung trong nhiều tháng và có khả năng điều này sẽ tiếp tục lặp lại trong những tháng tới.

Trước đây, vào các thời điểm giá dầu quá thấp, các nhà sản xuất nhỏ thuộc OPEC ở châu Phi và một số nhà sản xuất dầu lớn hơn ở vùng Vịnh có thể tăng sản lượng nhiều hơn mức mà OPEC đặt ra. Nhưng hiện tại, do những tác động của dịch Covid-19 và vấn đề môi trường, chỉ có 3 thành viên OPEC là Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Iraq có đủ lực để tăng nhanh nguồn cung.

Công ty tham vấn về năng lượng Energy Aspects cho biết: "Các dữ liệu gần đây củng cố dự báo của chúng tôi rằng trong dài hạn ngày càng nhiều thành viên không còn khả năng dự trữ".

Theo ước tính của công ty tư vấn Rystad Energy AS và JBC Energy GmbH, 10/13 thành viên của OPEC chỉ tăng được tổng cộng 150.000 thùng/ngày trong tháng 12 năm ngoái, thấp hơn nhiều mức 250.000 thùng/ngày theo hạn ngạch tăng nguồn cung của liên minh.

Ngay cả Nga, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai sau Ả Rập Saudi, chỉ có thể đạt sản lượng 9,9 triệu thùng/ngày, ít hơn khoảng 600.000 thùng so với mức trước đợt cắt giảm 2020 và chưa đạt được mức 10,2 triệu thùng/ngày được phân bổ cho nước này.

Các chuyên gia cho rằng mức tăng thực tế trong tháng 2/2022 có thể không đạt như công bố. Điều này không phải không có cơ sở, khi báo cáo hồi tháng trước của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy OPEC+ không đạt được mục tiêu tăng 650.000 thùng/ngày của tháng 11/2021 và 750.000 thùng/ngày của tháng trước đó.