Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhượng lại S-400 mua của Nga cho Mỹ?

Nguyễn Phương (Theo Forbes)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về lý thuyết, việc này có thể giải quyết bất đồng giữa hai đồng minh NATO, song vì nhiều lý do Thổ Nhĩ Kỳ không thể bán lại hệ thống S-400 của Nga cho Mỹ.

Trong tuần trước, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đã đề xuất dự luật cho phép Mỹ mua lại hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Thượng nghị sĩ Whip John Thune đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Cấp phép Quốc phòng quốc gia (NDAA) năm 2021, theo đó cho phép Washington mua thiết bị thông qua ngân sách mua sắm của quân đội Mỹ.
Việc chuyển giao S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ được Nga thực hiện bắt đầu từ ngày 12/7/2019.
Đề xuất trên được Thượng nghị sĩ Thune đưa ra nhằm giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Ankara, liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35.
Trước đó, hồi tháng 9/2017, Nga tuyên bố ký hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ về chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 cho Ankara. Dựa trên thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ nhận hệ thống phòng không S-400. Thỏa thuận cũng bao gồm chuyển giao một phần công nghệ sản xuất S-400 cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua hệ thống phòng không từ Nga. Việc chuyển giao S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ được Nga thực hiện bắt đầu từ ngày 12/7/2019.
Tuy nhiên, hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối dữ dội từ Mỹ và NATO. Chính quyền Washington vẫn quyết tâm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống S-400 của Nga.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không từ bỏ S-400, Washington đã thông báo loại Ankara khỏi chương trình hợp tác phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 - tiêm kích đa nhiệm F-35. Chính phủ Mỹ cũng cảnh cáo đơn phương trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về mua S-400. Tuy nhiên, chính quyền Washington hiện chưa vội vàng áp dụng bước đi này bởi lo ngại leo thang căng thẳng với Ankara.
Thượng nghị sĩ Thune không phải là chính trị gia đầu tiên của Mỹ đề xuất thỏa hiệp với Ankara liên quan đến hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga để chính quyền Washington không áp đặt biện pháp trừng phạt khiến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ xấu hơn.
Hồi tháng 7/2019, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã đưa ra đề nghị rằng nếu chính quyền Ankara không kích hoạt hệ thống S-400, phía Washington sẽ không phải áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 8 năm ngoái nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hủy bỏ hợp đồng mua S-400 nếu muốn quay lại chương trình phát triển hệ thống máy bay chiến đấu F-35.
Phản ứng với những đề xuất này, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định quyết tâm sẽ kích hoạt hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga. Theo đó, hồi tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm hệ thống radar của S-400. Phía Ankara cũng lên kế hoạch kích hoạt hệ thống phòng không S-400 vào tháng 4.
Mới đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến hệ thống phòng không mua từ Nga, đồng thời nói rằng việc trì hoãn kế hoạch đưa vào hoạt động S-400 là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như sẽ hoan nghênh đề xuất của Thượng nghị sĩ Thune để giải quyết bế tắc với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến S-400. Trước đó, Tổng thống Trump, người có quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, từng tuyên bố rằng hoàn toàn không công bằng nếu Mỹ không thể bán chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì Ankara đặt mua S-400 từ Moscow.
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định quyết mua hệ thống S-400 của Nga bất chấp sức ép từ Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, nếu sở hữu được hệ thống S-400 của Nga, chính quyền Washington sẽ có điều kiện thuận lợi để kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống tên lửa tiên tiến của Moscow, từ đó đánh giá được tất cả những ưu và nhược điểm vũ khí Nga.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, Washington sẽ không chủ động tìm cách mua lại S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù dự luật này đã được Thượng nghị sĩ Thune đề xuất. Trong khi đó, trên thực tệ Thổ Nhĩ Kỳ cũng khó có thể muốn bán hệ thống tên lửa này.
Sau khi Thượng nghị sĩ Thune đề xuất dự luật trên, phía Nga tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được Moscow đồng ý mới được nhượng lại hệ thống phòng không S-400 cho một quốc gia khác.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cũng không muốn leo thang  căng thẳng quan hệ với Nga bằng quyết định bán hệ thống S-400 của Moscow cho Mỹ. Chính quyền ông Erdogan lo ngại việc này có thể khiến Nga có động thái đáp trả, khiến cuộc sống của người dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya gặp nhiều khó khăn hơn.
Vì những lý do trên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bác đề nghị của Thượng nghị sĩ Thune liên quan đến S-400.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã chấp nhận sức ép từ Mỹ để thực hiện hợp đồng đặt mua hệ thống S-400 “bằng mọi giá”, vì đây là hệ thống phòng không lý tưởng để bảo vệ Ankara trước những âm mưu tiến hành các cuộc đảo chính, điều mà ông Erdogan hết sức quan ngại./.