Vì sao Trung Quốc vượt qua được các lệnh hạn chế chip bán dẫn?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thị trường chất bán dẫn của Trung Quốc vẫn đứng vững bất chấp thỏa thuận ba bên nhằm hạn chế Bắc Kinh tiếp cận nguồn vật liệu quan trọng này.

Gần đây, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu đối với 23 loại thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với công nghệ tiên tiến này. 

Trước đó, vào đầu tháng 3, Hà Lan cũng gia tăng các hạn chế đối với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip, bao gồm các công cụ in thạch bản nhúng tiên tiến nhất. 

Theo các chuyên gia, các hạn chế của Nhật Bản sẽ góp phần tăng cường thêm những quy định mà Mỹ đã đưa ra trước đó vào tháng 10/2022 và chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh khó đạt được sự tự chủ về chất bán dẫn.

Ngay sau quyết định của Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã lên tiếng cảnh báo Tokyo.  

Công ty Trung Quốc vốn là một trong những bạn hàng lớn nhất của Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản - các quốc gia chiếm thế độc quyền trên thị trường chất bán dẫn, đặc biệt đối với sản xuất máy in thạch bản.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc cho biết việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu chip giống bước đi của Mỹ càng giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ phát triển các ngành công nghiệp nội địa.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tần Cương cho biết: "Việc phong tỏa sẽ chỉ kích thích thêm quyết tâm tự chủ về công nghệ chip bán dẫn của Trung Quốc."

Tiềm năng thị trường chất bán dẫn Trung Quốc

Vào tháng 1/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Mỹ. Tại đó, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý cùng với Washington thực hiện việc cấm vận chuyển một số lô hàng máy móc chip công nghệ cao nhất đến Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào 1/2023. Nguồn: Nikkei Asia
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào 1/2023. Nguồn: Nikkei Asia

Trước đó, vào tháng 10/2022, chính quyền ông Biden đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với các loại chip cũng như thiết bị sản xuất chip nhằm cắt đứt nguồn cung ứng các mặt hàng này đối với các công ty Trung Quốc. Theo đó, những hạn chế này bao gồm việc cấm vận chuyển chip máy tính tiên tiến, thiết bị sản xuất chip và các sản phẩm khác sang Trung Quốc trừ khi có một giấy phép đặc biệt.

Bằng vị thế thống trị của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, Mỹ đã gây áp lực lên các đối tác nước ngoài buộc họ phải thực hiện theo ý mình. Mặc dù nhà cung cấp máy móc sản xuất chip hàng đầu thế giới ASML là một công ty Hà Lan, nhưng phần lớn linh kiện của công ty này lại lấy từ các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, các công ty thiết bị chip nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn khi cắt đứt hoàn toàn với Trung Quốc bởi vì nguồn doanh thu đáng kể đến từ quốc gia này. Với việc Trung Quốc là nước tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới, các chuyên gia cho biết quốc gia này có nhiều tiềm năng xoay chuyển tình thế. Quốc gia tỷ dân hiện là thị trường đứng thứ ba của ASML vào năm ngoái khi chiếm đến 13,8% trong tổng doanh thu 21,1 tỷ euro (22,9 tỷ USD) của công ty.

Không chỉ vậy, nhà sản xuất thiết bị chip Nhật Bản như Tokyo Electron, Nikon và Canon đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022,  doanh thu của Tokyo Electron ở Trung Quốc là 566,2 tỷ yên (4,3 tỷ USD), đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn nhất và chiếm 28% tổng doanh thu.

Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất của Nikon khi doanh số bán hàng từ quốc gia chiếm đến 28% trong tổng doanh thu trong năm tài chính 2022.

Theo Liên Hợp Quốc, vào năm 2021, xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản sang Trung Quốc đã tăng 32% lên 11,9 tỷ USD, chiếm 38,8% doanh thu trên tổng sản lượng của quốc gia này.

Theo Manabu Takamisawa, Giám đốc Hiệp hội Kinh tế Nhật-Trung, bất chấp lệnh trừng phạt, các công ty bị ảnh hưởng vẫn có thể tìm cách tiếp tục kinh doanh với Trung Quốc. Ông cho biết các công ty Nhật Bản đã thành lập các nhà máy tại địa phương nhằm tăng doanh số bán hàng vào Trung Quốc cũng như nhằm để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt từ chính quốc gia này.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đẩy nhanh quá trình tách rời công nghệ, một số nguồn tin cho biết công ty Nhật Bản lại thực hiện chia tách các nhóm kinh doanh để phục vụ thị trường Trung Quốc và thị trường nước ngoài một cách độc lập.

Bên cạnh đó, mặc dù cả ba bên đã đồng ý ký vào hiệp ước hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn, tuy nhiên, mọi thứ không hề đơn giản như vẻ bề ngoài. Trước khi tiết lộ kế hoạch hạn chế xuất khẩu, Nhật Bản hầu như luôn giữ im lặng về vấn đề này và có nhiều nguồn tin cho biết bên trong chính phủ Nhật Bản đã có sự bất đồng quan điểm liên quan đến thỏa thuận này với Mỹ.

Khi công bố kế hoạch, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trong một thỏa thuận ngầm với Trung Quốc thì việc này là để ngăn chặn các quốc gia sử dụng chất bán dẫn tiên tiến trong ứng dụng quân sự.

Tương tự như Nhật Bản, Hà Lan cũng tràn ngập những phản đối của người trong ngành và chính phủ đối với kế hoạch hạn chế xuất khẩu của Washington. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại thương Liesje Schreinemacher cho biết quốc gia này sẽ tự đưa ra quyết định liên quan đến việc bán các sản phẩm của ASML đối với Trung Quốc.