Ông Abe lại còn là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản tới thăm Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan. Tất cả những quốc gia này đều ở khu vực láng giềng gần của Trung Quốc, ở nơi cách xa Nhật Bản và ảnh hưởng của Bắc Kinh lấn át ảnh hưởng của Tokyo. Tranh thủ và chinh phục những nước này giúp Nhật Bản không chỉ có thêm đối tác kinh tế và thương mại mà còn thêm cả con chủ bài mới và chiến địa mới để ganh đua và đối phó Trung Quốc.
Cho tới nay, Trung Quốc đã có không ít thể chế và cơ chế để tập hợp và lôi kéo những nước nói trên vào khu vực ảnh hưởng của mình. Tất cả 6 nước này đều là thành viên hoặc quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Trung Quốc đã có được vai trò hạt nhân và ảnh hưởng dẫn dắt. Những đối tác này đều quan trọng đối với Trung Quốc về phương diện an ninh, đồng thời lại dễ bị khuất phục và chinh phục bởi chiến lược "đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn" của Bắc Kinh. Trong khuôn khổ quan hệ song phương với từng nước trong số đó, Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ đầu tư trực tiếp và viện trợ tài chính. Thông qua SCO, Bắc Kinh cũng đã ràng buộc họ khá chặt. Mới đây nhất, Trung Quốc đã chủ động đưa ra ý tưởng về thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đồng thời đẩy mạnh hướng ra biển ở phía Đông, tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản và một số nước khác ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Không chỉ triển khai hàng loạt dự án lớn tạo nên hành lang giúp vươn ra Ấn Độ Dương và Trung Á, Trung Quốc còn đang có quan hệ hợp tác tốt đẹp chưa từng thấy với Nga.
Một trong những chiêu thức của ông Abe nhằm đối phó và tranh đua với Trung Quốc là viễn giao cận công. Nước Nhật dưới thời vị Thủ tướng này không chỉ thắt chặt quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, gây dựng tập hợp lực lượng mới bao gồm những nước chia sẻ cùng lo ngại về mối đe doạ từ Bắc Kinh và cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp với Trung Quốc ở những nơi Trung Quốc đã củng cố được ảnh hưởng và vai trò. Nhật Bản tuy chậm chân hơn nhưng không thua kém gì, nếu như không muốn nói là thậm chí còn hơn Trung Quốc về tiềm lực tài chính và sức mạnh kinh tế. Ông Abe đã tăng đáng kể nguồn vốn tín dụng cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và đưa ra chương trình tín dụng riêng cho các nước đang phát triển. Với 6 nước nói trên, ông Abe đưa ra cam kết đầu tư trực tiếp hàng chục tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng. Ông Abe dùng đúng phương cách và công cụ của Trung Quốc đã và đang vận dụng ở nơi đây để cạnh tranh ảnh hưởng và vai trò với Trung Quốc.