Số ca F0 nặng và tử vong có giảm nhưng chưa bền vững
Chiều 24/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình Covid-19 và một số mặt của đời sống trên địa bàn TP.
Lý giải vì sao Công văn 882/UBND-VX ngày 24/3 của UBND TP Hồ Chí Minh, mặc dù cho F1 đi làm và đi học trực tiếp nhưng vẫn buộc phải xét nghiệm vào ngày thứ 5? Vì sao F0 và F1 không được đi làm như một số tỉnh khác?, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: “Công văn 882 đã nêu rất rõ: F1 đã được tiêm đủ liều hoặc mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng. Đồng thời, F1 cũng phải chấp hành nghiêm, có nghĩa là khi nào có triệu chứng thì buộc phải xét nghiệm. Đối với F0, hiện nay Bộ Y tế đang đề xuất cho F0 đi làm với một số điều kiện cụ thể: Làm việc trực tuyến, làm tại các cơ sở chăm sóc F0 khác nhưng vẫn có một số quy định ràng buộc, không phải F0 nào cũng được đi làm”.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tâm, về phương án tiêm mũi thứ 4 vaccine phòng Covid-19, đến nay Bộ Y tế đang nghiên cứu, khi nào có hướng dẫn của Bộ Y tế lúc đó TP Hồ Chí Minh triển khai việc tiêm chủng.
Đối với vấn đề F0, F1 đi làm trực tiếp sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình dịch Covid-19?, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ, tại TP Hồ Chí Minh sau khi đánh giá tình hình ca nhiễm mới, ca nặng, ca nhập viện, ca tử vong…, Sở Y tế đã tham mưu trình và UBND TP đã ban hành văn bản 882/UBND-VX để F1 đi làm, học trực tiếp nhưng vẫn có sự kiểm soát nhằm tránh lây lan trong cộng đồng. Còn trường hợp F0 hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Y tế vẫn là người bệnh, vẫn phải cách ly để điều trị.
"Vì sao TP chưa thực hiện giống một số tỉnh, thành khác trong việc cho F1, F0 đi làm? Trong thời gian qua, việc theo sát từng ca bệnh cũng như ca chuyển nặng, chúng ta thấy dù số ca trở nặng hoặc ca tử vong đang giảm nhưng chưa giảm bền vững. Số ca nhiễm tăng cao sẽ dẫn theo ca nặng và ca tử vong tăng. Do đó, tất cả những đề xuất của Sở Y tế cũng như việc chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo đều dựa vào thực tiễn của dịch tại TP" - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.
Chưa thể xem Covid-19 là "bệnh đặc hữu"
Về tình trạng các cửa hàng thuốc tây bán thuốc Molnupapiravir nhưng không có toa bác sĩ, đã được xử lý chưa?, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, Thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc từ nhiều ngày nay, việc thanh tra và xử lý đang được các bộ phận chuyên môn tiến hành xác minh cùng một số vụ việc khác, không chỉ riêng việc bán thuốc điều trị Covid-19. Khi có thông tin xử lý, Thanh tra Sở Y tế sẽ đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Sở đầy đủ từng trường hợp cụ thể.
Đối với câu hỏi với độ bao phủ vaccine như hiện nay thì ở TP Hồ Chí Minh, có thể coi Covid-19 là bệnh thông thường chưa?, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai trả lời: “Chúng ta mới có Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 7/3/2022 của Chính phủ. Nghị quyết này Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế: Rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người nhiễm SARS-CoV-2, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế; đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với xem Covid-19 là bệnh đặc hữu”.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay các chuyên gia và các quốc gia đang đề xuất xem bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành" đặc hữu. Vấn đề này đã được Bộ Y tế trao đổi với các chuyên gia trong nước và quốc tế, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ nhận định đối với Covid-19 tại Việt Nam, như sau: Trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận tại tất cả các tỉnh, TP. Số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả tỉnh, thành. Như vậy, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang "bệnh lưu hành".
Thứ hai, tỷ lệ mắc Covid-19 chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, TP đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, TP mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Thứ ba, số ca tử vong theo ngày vẫn còn cao so với các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu như trước đây.
Thứ tư, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, ghi nhận những biến thể mới, như: Alpha, Delta, Omicron, kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện những biến thể phụ, ví dụ trong Omicron có biến thể phụ PA1, PA2, PA3, và các biến thể này có thể né miễn dịch gây tái nhiễm, do đó tỷ lệ mắc tại các vùng chưa có tính chất ổn định.
“Do vậy, các tổ chức đã kết luận trong thời gian này Việt Nam chưa nên coi dịch Covid-19 là "bệnh lưu hành". Cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác để theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của SARS-CoV-2, để có thể tham mưu cho Thủ tướng coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành hay bệnh đặc hữu vào thời điểm thích hợp” - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Liên quan đến việc một cơ sở sử dụng thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy trong khám chữa bệnh và hoạt động thẩm mỹ. Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng việc này đã có từ tháng 11/2019, Thanh tra Sở Y tế đã chuyển vụ việc sang Công an TP Hồ Chí Minh và cơ quan này đã chuyển xuống Công an quận Tân Bình vì cơ sở thẩm mỹ này đóng trên địa bàn quận. Đây là việc tương đối phức tạp, vì cơ sở này được các đơn vị chức năng cấp giấy phép với thương hiệu và việc cấp phép này đã xác định và đang được làm rõ. Thanh tra Sở Y tế báo cáo vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh.