Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đứng đầu trong số 4 nền xuất khẩu hiếm hoi vượt đại dịch

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghiên cứu mới của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (Unctad) đã đánh giá tác động phân cực mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với sự phục hồi thương mại toàn cầu, trong đó các nền kinh tế Đông Á vượt trội hẳn so với các nền kinh tế phương Tây.

Tăng trưởng của các nền kinh tế thương mại thế giới trong quý III/2020. Nguồn: Unctad 
Trong khi kết luận rằng "không có khu vực nào thoát khỏi sự sụt giảm thương mại quốc tế trong quý II/2020", báo cáo của Unctad cho thấy, Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Việt Nam là những nền kinh tế thương mại phục hồi mạnh mẽ, đều tăng trưởng mạnh trong quý III vừa qua.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia có xuất khẩu tăng 10,9% trong quý III so với cùng kỳ năm trước - tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng tăng 8,8% trong quý III/2020, dù là nơi đầu tiên ghi nhận dịch bệnh bùng phát. Ở Đài Loan, xuất khẩu tăng 6,4% trong quý III so với cùng kỳ năm 2019.

Điểm chung được lưu ý là bộ 3 quốc gia và vùng lãnh thổ này đều nằm trong số những nền kinh tế hiếm hoi đã sớm kiểm soát được Covid-19. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia còn lại trong nhsom 4 quốc gia duy nhất cho thấy sự phục hồi xuất khẩu, mặc dù con số này chỉ là 0,7%.

Trái lại, nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang phải chứng kiến số lượng các ca nhiễm virus tăng, cản trở việc khởi động lại nền kinh tế thương mại. Tiêu biểu, xuất khẩu từ Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn giảm từ 11,6 - 9,7% trong quý III/2020.

Các nhà kinh tế học cũng nhận thấy sự khác biệt lớn giữa các quốc gia nghèo hơn và giàu hơn về khả năng phục hồi kinh tế, cũng như khả năng tiếp cận các mặt hàng y tế được trao đổi.

Trong khi xuất khẩu từ các quốc gia đang phát triển giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7/2020, con số này ở các quốc gia phát triển lên đến 22%. Điều này cho thấy bản chất cấu trúc của chuỗi giá trị, khi các quốc gia nghèo hơn thường sản xuất những thứ được tiêu thụ ở các quốc gia giàu hơn.

Mặc dù trong Covid-19, nền kinh tế thương mại của các quốc gia giàu có hơn còn tỏ ra chậm chạp, các nước này lại có khả năng tiếp cận mặt hàng y tế thiết yếu gấp "100 lần" các nước nghèo hơn, tính theo đầu người.

Các nhà phân tích của Unctad nói thêm rằng, sự mất cân bằng này sẽ cản trở sự phục hồi toàn cầu hậu đại dịch, và đe dọa đến việc phân phối cân bằng các loại vaccine trong tương lai.