Việt Nam kỳ vọng gì từ RCEP

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi TPP đối mặt với nguy cơ bế tắc do sự rút lui của Mỹ, các nước đang đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thúc đẩy tự do thương mại.

ASEAN là trung tâm của hội nhập
RCEP là hiệp định thương mại do ASEAN làm trung tâm được đánh giá là một trong những bước đi quan trọng về hội nhập khu vực của ASEAN. Tháng 5 năm nay, các quốc gia sẽ bước vào vòng đàm phán thứ 18.
Được khởi xướng vào tháng 2012, RCEP nhằm mục đích tăng cường hội nhập kinh tế giữa ASEAN và 6 nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand.
16 quốc gia thành viên RCEP chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu.

Trong RCEP, sự tham gia của ASEAN và các đối tác đối thoại mang tính sâu rộng hơn dựa trên sự cải thiện đáng kể các hiệp định thương mại tự do hiện có giữa các bên. RCEP cũng được kỳ vọng là một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, cung cấp cơ sở để giải quyết các vấn đề thương mại mà các nước phải đối mặt trong tương lai. Lý tưởng hơn, RCEP có thể là một mô hình thế kỷ 21 cho việc hội nhập giữa các quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị và văn hoá.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang lâm vào bế tắc, hiệp định RCEP có tham gia của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang có sự phát triển năng động nhất trên toàn cầu, là một biện pháp cần thiết nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.
 

Nếu như TPP mở ra hướng tiếp cận với thị trường lớn nhất cho sản phẩm thủy sản, dệt may cho Việt Nam thì với RCEP, khối ASEAN và 6 nước đối tác sẽ nâng tầm các thỏa thuận thương mại tự do đã ký, giảm thiếu rào cản thương mại, nâng cao tự do hóa thuế quan, giúp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương

Động lực cho sự thay đổi
Theo đánh giá của các nhà kinh tế, RCEP không đơn thuần là một thỏa thuận thương mại tự do bao gồm các yếu tố truyền thống về tiếp cận thị trường đối với hàng hoá và dịch vụ, đầu tư, RCEP còn là động lực cho sự thay đổi.
Giám đốc Trung tâm hợp tác thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Indonesia Iman Pambagyo cho rằng, RCEP là một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt bởi 16 quốc gia thành viên đang chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu.
Ông Peter Mumford, Giám đốc khu vực châu Á của Eurasia Group cho rằng, RCEP là thỏa thuận thương mại khổng lồ liên quan đến Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tạo ra một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới với ASEAN và củng cố thêm các quan hệ đối tác thương mại giữa các nước với ASEAN, đồng thời có khả năng tạo nên khối lượng việc làm lớn cho người dân trong khu vực.
Khi đạt được thỏa thuận thương mại sẽ làm sâu sắc hơn việc hội nhập kinh tế của ASEAN vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là bước đệm xây dựng khu vực Mậu dịch tự do trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được các lãnh đạo APEC đề xuất để kết nối nền kinh tế khu vực với các nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Với ASEAN, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khối và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có những phát ngôn cam kết đẩy mạnh toàn cầu hóa, động lực chính trị để hoàn thành các cuộc đàm phán được đánh giá là rất thuận lợi, tăng kỳ vọng, RCEP sẽ được hình thành vào cuối năm 2017.
Giáo sư Jane Kelsey, tại Đại học Auckland, New Zealand cho biết, hiện 1/4 trong số 15 chương nội dung của hiệp định RCEP đã được hoàn tất và đến thời điểm các nhà lãnh đạo APEC gặp nhau tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay, các nước có thể đạt được một hiệp định khung.

Tôi khuyến khích Việt Nam tiếp cận mạnh dạn RCEP. Bởi vì TPP là quan trọng nhưng nó không phải là cách duy nhất để thúc đẩy tự do hóa thương mại. RCEP là một lựa chọn quan trọng khác.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long