70 năm giải phóng Thủ đô

Vĩnh Phúc: lưu luyến “dứa rừng lim” Đạo Trù

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dưới tán rừng lim, người dân xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) trồng xen canh cây dứa từ khoảng 20 năm trước. Không ngờ rằng, sự cần cù, chịu khó hay lam hay làm của họ, đã tạo ra một đặc sản hết sức tình cờ, từ loại cây trồng phổ biến quen thuộc - cây dứa.

Những cây dứa trồng dưới tán rừng lim xã Đạo Trù, đã thay đổi phẩm chất, tạo thành đặc sản "dứa rừng lim" hết sức tình cờ bất ngờ ngay cả với những người trồng. Ảnh: Sỹ Hào.
Những cây dứa trồng dưới tán rừng lim xã Đạo Trù, đã thay đổi phẩm chất, tạo thành đặc sản "dứa rừng lim" hết sức tình cờ bất ngờ ngay cả với những người trồng. Ảnh: Sỹ Hào.

“Sự tích” dứa rừng lim

Từ thị trấn Đại Đình di chuyển theo đường tỉnh 302 hướng đi cầu Chang chừng 4 đến 5 km sẽ đến địa phận xã Đạo Trù. Theo con đường nhỏ hẹp với nhiều ngôi nhà lẩn khuất trong những vườn cây, suốt dọc đường trước cửa những ngôi nhà ấy, người dân địa phương dựng lên những căn lều nhỏ, bày bán nhiều sản vật địa phương: mật ong rừng, mít, măng ngâm ớt… khung cảnh thật yên bình.

Đạo Trù là địa phương được xem là khó khăn thuộc huyện Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc, dân số chủ yếu là đồng bào Sán Dìu sinh sống, với nhiều phong tục tập quán đặc sắc, giàu giá trị văn hóa. Nơi đây, không chỉ có những cánh rừng lim cổ thụ bạt ngàn quanh năm xanh tốt, mà còn nức tiếng bởi dứa rừng lim - một đặc sản độc đáo, được tạo nên rất tình cờ từ sự cần cù chịu khó của người dân địa phương.  

Nắng hè như đổ lửa, di chuyển trên những con đường rợp bóng cây cổ thụ xanh ngắt và mát rượi ở xã Đạo Trù quả là điều thoải mái. Nhưng còn thú vị hơn, nếu du khách dừng xe ở những quán ven đường đúng mùa dứa chín, nếm những miếng dứa vàng tươi, ngọt lịm, thơm lừng… đó mới thực sự đem lại cho người lữ hành một cảm giác thoải mái và thú vị.  

Đặc sản “dứa rừng lim”  luôn là niềm nhắc nhớ với những ai đã từng nếm thử. Ảnh: Sỹ Hào.
Đặc sản “dứa rừng lim”  luôn là niềm nhắc nhớ với những ai đã từng nếm thử. Ảnh: Sỹ Hào.

Tại một căn chòi dựng lên từ những chiếc cọc che chắn hết sức sơ sài, kề bên là cánh rừng lim với nhiều thân cây to vòng tay người lớn ôm không xuể, cành lá xum xuê che mát một khoảnh rộng. Nơi này được vợ chồng ông Nguyễn Văn Mây, thôn Đồng Liễu, xã Đạo Trù làm quán nước, và bày bán những sản vật địa phương, chủ yếu là các loại hoa quả: chuối, mít, na, bưởi và đặc biệt là dứa rừng lim… mùa nào thức ấy.

Bằng giọng kể đều đều, ông Nguyễn Văn Mây kể về “sự tích” hình thành một thứ đặc sản của địa phương hết sức bất ngờ. Mấy chục năm về trước, diện tích rừng trồng Lim ở xã Đạo Trù thuộc sự quản lý của Hợp tác xã. Nhưng đến khoảng năm 1976 hoặc 1977, Hợp tác xã đã giải thể và chuyển nhượng quyền quản lý rừng lim cho các hộ dân – người dân không được khai thác lim, mà chỉ được trông coi, canh tác dưới những tán rừng, khi ấy bạt ngàn cây dại cây tạp.

“Chúng tôi dọn dẹp cây tạp dưới tán rừng lim, trồng các loại hoa màu như khoai sắn, rau củ, tuy nhiên năng suất và hiệu quả không cao. Lúc bấy giờ có một số người thử nghiệm trồng cây dứa, với mục đích cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bánh kẹo ở huyện Tam Dương.

Khi dứa chín, hầu hết mọi người đều ngỡ ngàng, vì những quả dứa trồng dưới tán rừng lim đều có vị thơm ngon vô cùng đặc biệt, mà các loại dứa trồng ở nơi khác không thể nào sánh kịp” -  ông Nguyễn Văn Mây cho biết.

Thật bất ngờ, sinh trưởng dưới tán rừng lim, những cây dứa bình thường đã thay đổi hoàn toàn hương vị, trở nên ngọt thanh, không có vị chua, và thơm hơn rất nhiều so với trồng ở các nơi khác.

Lưu luyến đặc sản trời ban…

Hữu xạ tự nhiên hương, nhiều du khách mỗi khi có dịp qua xã Đạo Trù, và một phần thị trấn Đại Đình vào mùa hè, đặc sản “dứa rừng lim” luôn là niềm nhắc nhớ với họ.

Dứa bắt đầu chín rộ từ cuối tháng 5 âm lịch, nhất là từ 20/5 trở đi, trước thời gian này thường là dứa nơi khác chuyển về giả dạng “dứa rừng lim”. Dứa rừng lim Đạo Trù thường không bán theo cân, khách có nhu cầu thì lựa mua theo quả, mỗi quả dao động từ 7 đến 10 nghìn đồng, tùy mức độ nhỏ to.

Nhiều người dân xã Đạo Trù lưu luyến và muốn giữ lại “dứa rừng lim” như gìn giữ một “đặc sản” trời ban, đã đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho nhiều gia đình. Ảnh: Sỹ Hào.
Nhiều người dân xã Đạo Trù lưu luyến và muốn giữ lại “dứa rừng lim” như gìn giữ một “đặc sản” trời ban, đã đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho nhiều gia đình. Ảnh: Sỹ Hào.

Người dân xã Đạo Trù cũng cho biết, huyện Tam Đảo hiện có gần 25 ha dứa, trong đó Đại Đình và Đạo Trù là 2 địa phương có diện tích trồng nhiều nhất. Trồng dứa, phải mất thời gian khoảng chừng 3 năm thì cây mới có thể cho thu hoạch. “Ác liệt” là, trong thời gian “đằng đẵng” đó, phải canh chừng hết sức cẩn thận, bởi những khoảnh dứa non trồng ở những khoảnh rừng xa nhà, là loại cây bị trâu bò ăn phá rất mạnh.

“Có khi công sức ròng rã 3 năm trời, sơ sểnh sẽ bị trâu bò phá sạch trong một buổi sáng. Nhưng khi dứa đã cho thu hoạch ổn định, thì công chăm sóc cũng giảm xuống rất nhiều, và cứ thế cho thu nhập bền vững năm này qua năm khác mà không cần trồng lại” – ông Lý Văn Tư, xã Đạo Trù nói.  

Thu nhập đem lại từ dứa rừng lim chừng 100 triệu đồng/1 ha/năm, thấp hơn so với trồng bạch đàn. Nhưng nhiều người dân địa phương vẫn không muốn chuyển đổi sang cây trồng khác, không chỉ vì muốn giữ lại sự màu mỡ của đất đai – trồng bạch đàn, hoặc keo khiến đất nhanh bạc màu. Phần khác, họ lưu luyến và muốn giữ lại “dứa rừng lim” như gìn giữ một “đặc sản” trời ban, đã đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho nhiều gia đình.