Vụ cháu bé rơi xuống trụ bê tông 35m, dự kiến chiều nay nhổ cọc nhồi

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến 12 giờ ngày 3/1, công tác cứu hộ cháu bé 10 tuổi rơi xuống trụ bê tômg 35m, được khẩn trương thực hiện, lực lượng cứu hộ đang khoan đất tơi xốp để nhổ cọc nhồi trong chiều nay.

Sau hơn 72 giờ cứu hộ, trụ bê tông sắp được kéo lên khỏi mặt đất. Nhiều người đang cầu mong phép màu sẽ đến với cháu Thái Lý Hạo Nam bị rơi xuống hố bê tông sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).

Chính quyền tỉnh Đồng Tháp khẳng định việc sử dụng ống thép khoan cọc nhồi khả quan. Ảnh PV
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp khẳng định việc sử dụng ống thép khoan cọc nhồi khả quan. Ảnh PV

Nhổ cọc nhồi chiều nay

Suốt từ đêm 2/1 đến khoảng 11 giờ cùng ngày (3/1), công tác cứu nạn cứu hộ vẫn đang tiếp diễn ra tập trung cùng sự chỉ đạo, quyết tâm cao của lực lượng thi công, chuyên gia, các đơn vị phòng cháy chữa cháy, bộ đội, công binh Quân khu 9.

Vào lúc 3 giờ sáng cùng ngày, tiến hành đóng ống vách bao bọc xung quanh ống bê tông có bé trai mắc kẹt. Đến 8 giờ 30 phút, đóng ống vách sâu xuống đất được 20 m.

Đồng thời, tiếp tục triển khai dùng mũi khoan nhồi để làm tơi đất, giảm áp lực ma sát vào thành ống bê tông. Tiếp tục dùng biện pháp này cho đến thời điểm thích hợp sẽ dùng cẩu đưa ống bê tông lên mặt đất để tiến hành các giai đoạn cứu hộ tiếp theo.

Mũi khoan đang được dùng làm đất tơi xốp để nhổ cọc nhồi. Ảnh PV
Mũi khoan đang được dùng làm đất tơi xốp để nhổ cọc nhồi. Ảnh PV

Cũng trong sáng nay, xe cứu thương, hai kíp y bác sĩ  gồm 8 người đã được điều đến hiện trường để thay phiên nhau trực, hỗ trợ công tác cấp cứu khi nhổ cọc nhồi lên.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 cũng đã có mặt tại hiện trường giải cứu để chỉ đạo lực lượng công binh và cứu hộ thực hiện các phương án đã định sẳn.

Lãnh đạo tỉnh nói gì việc sử dụng phương án cứu hộ mới?

Trả lời với báo chí, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tại công tác cứu hộ đang bước đầu đạt kết quả khả quan. Nhất là việc sử dụng phương pháp lồng ống thép để rút cọc bê tông lên.

“Đây là phương pháp tốt nhất để làm tơi xốp đất. Lượng đất hút ra sẽ làm giảm áp lực và ma sát. Sau đó, các cọc sẽ tiếp tục được nhồi sâu xuống dưới với hy vọng áp lực sẽ giảm tối đa, tạo điều kiện có thể rút ống bê tông lên bằng các thiết bị chuyên dụng thành công, dự kiến trong chiều nay sẽ rút cọc nhồi bằng bê tông lên khỏi mặt đất”, ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Quân khu 9 đang kiểm tra hiện trường để tiến hành kéo cọc nhồi. Ảnh PV
Lãnh đạo Quân khu 9 đang kiểm tra hiện trường để tiến hành kéo cọc nhồi. Ảnh PV

Việc tiếp tục tiến hành các biện pháp thăm dò, ông Đoàn Tấn Bửu cho hay, trong quá trình cứu hộ, cơ quan chức năng đã tiến hành 2 lần thăm dò, dùng cả camera nhưng chưa phát hiện được gì nên trước mắt sẽ tập trung toàn bộ ưu tiên cho công tác cứu hộ. Toàn bộ lực lượng cứu hộ đã cố gắng không ngừng nghỉ, không để công việc gián đoạn.

Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, khoảng 11 giờ 30 ngày 31/12/2022, cháu Thái Lý Hào Nam cùng ba bạn trong xóm ra công trình cầu Rọc Sen (trên tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) để nhặt sắt vụn. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam bất ngờ bị lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong.

Cầu Rọc Sen thi công khoảng 6 tháng và đã hoàn thành mố cầu hai bên. Mỗi mố được cố định bằng 3 trụ bê tông, rỗng bên trong, độ sâu khoảng 35m. Vài ngày trước đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây.

Ngày 2/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản chỉ đạo tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.