Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ IS hành quyết con tin người Nhật Bản: Lựa chọn khó khăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tuần sau khi con tin Haruna Yukawa bị hành quyết, nước Nhật lại phải trải qua những giờ phút đau thương khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công bố video hành quyết nhà báo Kenji Goto.

Một tuần sau khi con tin Haruna Yukawa bị hành quyết, nước Nhật lại phải trải qua những giờ phút đau thương khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công bố video hành quyết nhà báo Kenji Goto. Không chỉ là cú sốc với người dân Nhật Bản, là nỗi đau với gia đình của nạn nhân, biến cố này đã đặt chính quyền Tokyo đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn.

 Ngay sau khi thông tin IS giết hại con tin người Nhật Bản Kenji Goto được phát đi, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon, lãnh đạo Mỹ, Anh và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động này. Giới chức lãnh đạo toàn cầu cho rằng, các vụ hành quyết công dân nước ngoài, giết người tập thể của IS là lời cảnh báo về mối đe dọa của tổ chức này nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung.
Nhiều người Nhật Bản biểu tình trước Dinh Thủ tướng tại Tokyo để phản đối chính phủ. Ảnh: Reuters
Nhiều người Nhật Bản biểu tình trước Dinh Thủ tướng tại Tokyo để phản đối chính phủ. Ảnh: Reuters
Giận dữ, thất vọng và lo sợ là những từ được truyền thông Nhật Bản dùng nhiều nhất khi mô tả về cảm xúc của người dân nước này trước các diễn biến liên quan đến vụ con tin bị bắt, đe dọa, đòi tiền chuộc và hành quyết. Bất chất thời tiết giá lạnh cuối đông, hàng chục người đã có mặt trước cửa dinh thự của Thủ tướng Shinzo Abe để phản đối việc Chính phủ cam kết tài trợ 200 triệu USD cho cuộc chiến chống IS. Theo người dân Nhật Bản, trong lúc nước này đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát, thậm chí Chính phủ còn tăng thuế để tăng thu, giảm nợ công thì việc cam kết khoản tài trợ 200 triệu USD là một hành động bất hợp lý. Đó là chưa kể đến việc động thái này được IS sử dụng như một lý do để ra yêu sách đòi khỏi tiền chuộc lên tới 200 triệu USD.

Sự kiện lần này còn khiến công dân Nhật Bản cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của mình. Sau một thời gian dài tập trung cho phát triển kinh tế, củng cố vị trí siêu cường về công nghệ, nước Nhật gần như rất ít khi phải đối mặt với nguy cơ khủng bố nhất là các âm mưu nhằm vào các mục tiêu của nước này ở bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Nhưng mọi chuyện đã khác sau khi Thủ tướng Abe thể hiện sự ủng hộ với cuộc chiến chống khủng bố của đồng minh Mỹ không chỉ bằng hành động mà còn bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và cam kết tài trợ. Diễn biến liên quan đến vụ hành quyết con tin đặt chính quyền Tokyo đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn, một bên là rút lui khỏi cuộc chiến chống IS để bảo đảm an toàn cho công dân, một bên là tiếp tục tiến hành các bước đi nhằm khẳng định sự không khoan nhượng trước chủ nghĩa khủng bố. Trong tuyên bố mới nhất ngày 1/2, Thủ tướng Shinzo Abe thề rằng Nhật Bản không tha thứ cho chủ nghĩa khủng bố và Nhật Bản sẽ cùng các đối tác quốc tế đưa kẻ giết hại các con tin này ra trước công lý.Nhiều người dân Nhật Bản cho rằng, với tuyên bố này, Tokyo đã chấp nhận rủi ro về người và tài sản để gia nhập cuộc chiến giúp củng cố vị thế lãnh đạo của Nhật Bản trên trường quốc tế cũng như cơ hội để gia tăng mối liên hệ với các đồng minh phương Tây và Trung Đông – những thành viên chủ chốt của liên quân chống IS. Dù Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga khẳng định, Nhật Bản sẽ tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ khủng bố, đảm bảo an toàn cho các công dân sinh sống hoặc du lịch nước ngoài, nhưng lo sợ, bất an vẫn là bầu không khí bao trùm cộng đồng người dân Nhật Bản.

Trong vô số những lời oán trách của cộng đồng, lời kêu gọi tiếp tục chiến đấu từ cộng đồng quốc tế đã khơi gợi lên không ít lo ngại về nỗi đau sẽ biến thành sự hận thù sâu sắc, thái độ thận trọng của gia đình nhà báo Goto khiến nhiều Chính phủ và người dân phải thay đổi cách tiếp cận của mình. Dù vô cùng đau đớn vì con trai bị sát hại nhưng mẹ của nhà báo Goto vẫn bày tỏ hy vọng rằng mọi người có thể thực hiện được ước mơ mà Kenji theo đuổi bấy lâu là xây dựng một xã hội không có chiến tranh và cứu giúp trẻ em.