Vụ sạt lở kè Xâm Thị sẽ có kết luận trước ngày 15/5

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị có nhiều bài phản ánh việc Công ty CP Cảng Hồng Vân nạo vét luồng trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) gây sạt lở kè Xâm Thị. Để khắc phục hậu quả, doanh nghiệp đang từng bước thi công các hạng mục…

Hiện trường khu vực đã xảy ra vụ sạt trượt kè Xâm Thị chiều 29/4/2022
Hiện trường khu vực đã xảy ra vụ sạt trượt kè Xâm Thị chiều 29/4/2022

Sau hơn 4 tháng xảy ra sự cố sạt lở kè Xâm Thị nằm trong khu vực cảng Hồng Vân, đến nay hiện tượng sụt sạt đất đá đã không còn xảy ra. Tại thời điểm này, do mực nước sông đang xuống thấp và không phải mùa mưa nên Công ty CP Cảng Hồng Vân tranh thủ xin ý kiến UBND huyện Thường Tín và sở, ngành, đồng thời chủ động ép 3 lượt cọc bê tông dài hơn 120m, chiều sâu qua vùng trượt vị trí cọc sâu từ 18 - 22m. Cùng với đó, thả 8.700m3 đá hộc xuống lòng sông giữ chân kè.

Những hàng cọc bê tông đã được ép xuống chân bờ kè Xâm Thị theo hồ sơ thiết kế
Những hàng cọc bê tông đã được ép xuống chân bờ kè Xâm Thị theo hồ sơ thiết kế

Cùng với đó, triển khai khoan thăm dò 8 mũi khoan ở khu vực dưới lòng sông và vị trí ven bờ sâu từ 20 - 50m. Qua đó làm cơ sở xác định được một phần nguyên nhân gây ra sạt trượt do nền đất tại đây ở thời điểm năm 2012 khi đã xảy ra sự cố sạt lở được khắc phục bằng nhiều loại vật liệu không đảm bảo khiến khu vực chân bờ kè yếu, hay nói cách khác là hiện tượng “đeo ba lô” đã gây ra vụ sạt trượt xảy ra ngày 14/1/2022. Ngoài ra, còn có một phần từ sự tác động của việc nạo vét luồng lạch…

Vụ sạt trượt kè Xâm Thị đang được doanh nghiệp thi công các hạng mục theo hồ sơ thiết kế 
Vụ sạt trượt kè Xâm Thị đang được doanh nghiệp thi công các hạng mục theo hồ sơ thiết kế 

Để đảm bảo tính khách quan, ngày 24/2, UBND huyện Thường Tín đã ban hành quyết định số 1160/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Điều tra xác định sự cố sạt lở kè Xâm Thị đoạn từ K89+320 đến K89+383 đê Hữu Hồng, huyện Thường Tín. Qua đó, Tổ Điều tra cũng đã tiến hành khảo sát thực tế tại hiện trường, cập nhật toàn bộ hồ sơ dự án xây dựng khu vực cầu cảng và khoan thăm dò 3 mũi khoan tại đây để lấy mẫu đất xét nghiệm, làm cơ sở kết luận nguyên nhân gây ra vụ sạt lở.

Những hàng cọc bê tông đã được doanh nghiệp thi công ép xuống chân kè có độ sâu khoảng 50m
Những hàng cọc bê tông đã được doanh nghiệp thi công ép xuống chân kè có độ sâu khoảng 50m

Nhằm đảm bảo tài sản cho doanh nghiệp và cũng nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất của đơn vị sau này, tránh mùa mưa bão, thời gian này Công ty CP Cảng Hồng Vân đang từng bước triển khai hàng loạt nội dung như: Tiến hành đập vỡ các đầu cọc bê tông để buộc, hàn giằng chéo các đầu cọc lại với nhau. Tiến hành xây dựng ta luy bằng đá hộc và trát, chèn xi măng vào các khe mạch rồi rải đá tạo thành khối liên kết vững chắc giữ chân bờ kè.

Một trong những hàng cọc đầu tiên đang được tập trung đan sắt để giằng kéo các đầu cọc bê tông lại với nhau
Một trong những hàng cọc đầu tiên đang được tập trung đan sắt để giằng kéo các đầu cọc bê tông lại với nhau

Phó Giám đốc Công ty CP Cảnh Hồng Vân Hoàng Huy Minh cho biết, thời gian qua, Công ty đã chủ động tích cực phối hợp với Tổ Điều tra do UBND huyện Thường Tín thành lập theo hướng dẫn của UBND TP nhằm xác minh, làm rõ nguyên nhân chính của việc gây ra vụ sạt trượt, sụt kè Xâm Thị làm cơ sở để khắc phục, giải quyết. Mặt khác, Công ty đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế tham gia thiết kế công trình cải tạo kè Xâm Thị và nâng cấp hệ thống cầu Cảng Hồng Vân.

Người lao động đang miệt mài thi công các hạng mục nhằm khắc phục sự cố sạt trượt kè Xâm Thị
Người lao động đang miệt mài thi công các hạng mục nhằm khắc phục sự cố sạt trượt kè Xâm Thị

Trong khi chờ kết quả xác minh của Tổ Điều tra, trước mắt Công ty đã triển khai thi công các hạng mục, như: Khoan cọc nhồi, rọ đá ở nhiều vị trí ven dọc bờ sông kéo dài khoảng 150m, hàn giằng chéo neo các đầu cọc bê tông lại với nhau, rải đá đổ bê tông nền mặt bằng khu cầu cảng ngay sau khi được các đơn vị và UBND huyện Thường Tín tạm thời cho phép doanh nghiệp thi công các hạng mục theo hồ sơ thiết kế, nhằm ổn định tình hình, giữ yên nền đất.

Một trong những hàng bê tông đã được đập vỡ đầu cọc đang được đan sắt để giằng kéo lại nhau
Một trong những hàng bê tông đã được đập vỡ đầu cọc đang được đan sắt để giằng kéo lại nhau

Nói về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, để sớm xác định, làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố dẫn tới sập kè Xâm Thị, Cảng thủy Nội địa Hồng Vân, ngày 24/2, UBND huyện ban hành quyết định thành lập Tổ Điều tra sự cố sạt lở kè Xâm Thị đoạn từ K89+320 đến K89+383 đê Hữu Hồng. Đến nay, Tổ Điều tra đã kết thúc quá trình kiểm tra thực tế tại hiện trường, rà soát hồ sơ xây dựng, khoan thăm dò để lấy mẫu đất xét nghiệm… Theo kế hoạch, vụ sạt lở kè Xâm Thị sẽ có kết luận cuối cùng trước ngày 15/5.

Những đầu cọc bê tông đã được đập vỡ đang chờ đan sắt và đổ bê tông giằng kéo lại với nhau tạo thành khối liên kết
Những đầu cọc bê tông đã được đập vỡ đang chờ đan sắt và đổ bê tông giằng kéo lại với nhau tạo thành khối liên kết

“Song song với việc kiểm tra và để đảm bảo cho việc khắc phục sự cố, tránh thời điểm mùa mưa đến nước sông dâng cao, khó khăn cho việc thi công các hạng mục, trước mắt UBND huyện tạo điều kiện cho doanh nghiệp thi công một số hạng mục vừa đảm bảo cho công trình, đảm bảo tài sản khu vực doanh nghiệp khai thác, quản lý giai đoạn về sau này. Khi Tổ Điều tra có kết luận làm rõ nguyên nhân gây ra vụ sụt sạt sẽ báo cáo huyện và TP rồi tiếp tục đưa ra hướng xử lý, giải quyết đảm bảo tính khách quan, công tâm” - ông Thản khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần