Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ tàu Ả Rập Saudi bị "phá hoại" cho thấy Mỹ - Iran căng thẳng hay là sản phẩm của truyền thông?

Tú Anh (Theo TRT World)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự xuất hiện của thông tin sai lệch và thiếu nguồn tin chính thống là nguyên nhân đẩy cao căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Ả Rập Saudi hôm 13/5 cho biết 2 tàu chở dầu của họ bị phá hoại ở vùng biển ngoài khơi UAE, gây thiệt hại đáng kể cho các tàu. Một trong hai con tàu đó đang trên đường lấy dầu từ Ả Rập chở đến Mỹ.

Hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA) dẫn thông báo của Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih cho biết một trong 2 tàu kể trên đang trên đường vận chuyển dầu thô của Saudi Arabia từ cảng Ras Tanura tới các khách hàng của Công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco tại Mỹ. Vụ tấn công không gây thương vong hay rò rỉ dầu nhưng làm hư hại nghiêm trọng cấu trúc của hai tàu kể trên.

 Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 12/5, Bộ Ngoại giao UAE thông báo có 4 tàu thương mại đã bị tấn công phá hoại ở vùng biển gần lãnh hai nước này tại Vịnh Oman, phía Đông cảng Fujairah. Sáng 13/5, Mỹ đã đưa ra cảnh báo về "các hành động phá hoại" nhằm vào các tàu biển ở ngoài khơi bờ biển UAE trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran. Trong cảnh báo, Cơ quan Hàng hải Mỹ nhấn mạnh các vụ tấn công phá hoại đã được xác nhận và các tàu phải cảnh giác khi đi qua Fujairah.

Giới chức UAE từ chối nói cụ thể về bản chất vụ phá hoại, và cũng không xác định ai có khả năng phải chịu trách nhiệm. Đáng nói là thông tin này xuất hiện sau khi Mỹ cảnh báo các tàu rằng “Iran hay các lực lượng đại diện” có thể tấn công vào những phương tiện trên biển ở khu vực. Trước đó, Mỹ cũng điều máy bay ném bom B52 hay tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới khu vực Trung Đông như một lời cảnh cáo với Tehran.

Cảng Fujairah của UAE nằm cách Eo Hormuz khoảng 140 km về phía Nam, nằm trên tuyến đường vận chuyển dầu và khí đốt quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Eo biển này được xem là có vị trí chiến lược khi là nơi thông thương của khoảng 1/3 dầu mỏ xuất khẩu trên toàn cầu vận chuyển đường biển. Nơi đây đã trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi Washington tăng cường trừng phạt Tehran và điều động thêm các lực lượng quân sự đến khu vực. Thời điểm Nhà Trắng tăng cường chiến dịch gây áp lực tối đa của họ đối với Tehran, các quan chức Iran cũng đang cân nhắc các lựa chọn đáp trả, trong đó có khả năng đóng eo biển Hormuz.

Sự cố ngày 12/5 đẩy cao khả năng thù địch trong quan hệ Mỹ-Iran sẽ leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự. Động lực nguy hiểm như vậy mở ra cơ hội cho một số cá nhân, bao gồm cả cố vấn an ninh quốc gia “cứng rắn” của tổng thống Mỹ John Bolton, tận dụng để tạo cớ cho hành động quân sự chống lại Iran.

Theo TRT World, nếu thực sự Iran có vai trò trong sự cố mới nhất với tàu chở dầu Ả Rập Saudi, điều đó cho thấy quyết tâm của Tehran buộc các quốc gia Ả Rập ủng hộ chính sách chống Iran của chính quyền Mỹ phải trả giá và là lời “nhắc nhở nhẹ” với UAE.

Truyền thông "đổ thêm dầu vào lửa"?

Liên quan đến sự cố an ninh quốc tế này, có nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Điều quan trọng, không rõ ai đứng sau các vụ việc này, trong đó những thông tin này là chìa khóa để điều tra.

Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh báo cáo của các cơ quan truyền thông từ Iran tới Nga, được cho là phóng đại tình hình. Hai năm sau vụ tấn công vào hãng thông tấn Qatar – vụ việc gây leo thang vào cuộc khủng hoảng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, vẫn không thể phủ nhận rằng việc vũ khí hóa tin giả và các sự kiện sai lệch là một phần của địa chính trị khu vực và toàn cầu. Nhiều quốc gia đã “tận dụng” thông tin sai lệch kịp thời để thúc đẩy lợi ích mình.

Thông tin sai lệch trong bối cảnh các bên trong khu vực đang đấu khẩu cũng làm tăng nguy cơ nhận thức về mối đe dọa đối đầu quân sự. Bộ Ngoại giao UAE thời gian qua cũng bác bỏ các báo cáo vô căn cứ về việc máy bay chiến đấu Mỹ và Pháp bay qua Fujairah trong thời gian các vụ nổ tàu chở dầu này.