Vụ vi phạm trong đấu thầu tại CDC Hà Nội: Viện kiểm sát đề nghị y án sơ thẩm với các bị cáo

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo có kháng cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) tiếp tục với phần luận tội. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên mức án sơ thẩm.

Cụ thể, xét nội dung kháng cáo cũng như xét các tài liệu, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, VKS nhận thấy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm chính trong việc đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường. Bị cáo đã trực tiếp ký các quyết định thành lập, phê duyệt thủ tục chỉ định thầu không đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và những quy định khác của Chính phủ. Các bị cáo còn lại cùng nhau thống nhất hoàn tất hồ sơ để thực hiện việc đấu thầu không đúng quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
 Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm.
Bị cáo Cảm đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, lựa chọn nhà thầu khi chưa có thẩm định giá, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu; các bị cáo còn lại báo cáo sai, không trung thực, làm sai lệch kết quả, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước. Bị cáo Đào Thế Vinh – Giám đốc Công ty MST có hành vi gian lận cung cấp báo giá hồ sơ thầu, không thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu, cố ý cung cấp thông tin không trung thực để đề xuất làm sai lệch kết quả. Hành vi của bị cáo góp phần gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỉ đồng. Tòa cấp sơ thẩm kết án các bị cáo với hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng “ là không oan.
Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, theo VKS, bị cáo Cảm có vai trò cao nhất, là người khởi xướng. Xét các tình tiết giảm nhẹ, VKS nhận thấy bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn; bị cáo được nhiều đồng nghiệp xin giảm nhẹ hình phạt… Tuy nhiên, bị cáo Cảm đã chỉ đạo các bị cáo dưới quyền thực hiện hành vi sai trái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, mức án 10 năm tù mà Tòa sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ và thuộc mức thấp nhất của khung hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nhận được rất nhiều đơn xin giảm nhẹ cho mình nhưng xét thấy chưa có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đối với bị cáo Vinh có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Bị cáo đã hoàn toàn tự nguyện nộp lại số tiền trên; có nhân thân tốt, ăn năn hối cải nên Tòa sơ thẩm đã tuyên mức án phù hợp, có căn cứ. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo cũng chưa xuất trình được thêm các chứng cứ giảm nhẹ khác.
Với bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Nhật Cảm, gian lận, giả mạo hồ sơ, ký các tài liệu liên quan trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Quá trình điều ra và xét xử, các bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối cải, phạm tội lần đầu với vai trò giúp sức, có quan hệ phụ thuộc, làm công ăn lương, chấp hành nhiệm vụ, không vì động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi cho bản thân. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ, tuyên phạt các bị cáo ở mức án khác nhau nhưng đều dưới khung hình phạt của pháp luật quy định. Còn hành vi của bị cáo Nguyễn Trần Duy góp phần gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; đã khai báo thành khẩn; trong phiên phúc thẩm bị cáo cũng chưa xuất trình được thêm các tài liệu, chứng cứ mới.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên mức án sơ thẩm.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần