Vụ “Xử nguyên Phó Thống đốc NHNN Việt Nam”: Ông Đặng Thanh Bình xin miễn trách nhiệm hình sự

Bài, ảnh: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Được nói lời sau cùng các bị cáo đều thừa nhận có sai sót trong khi là nhiệm vụ.

Bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận chịu trách nhiệm chính trị trong quá trình tái cơ cấu. Còn đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện, khách quan, đúng, đủ để đưa ra mức án hợp lý đối với các bị cáo.
Ngày 28/6, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến thiệt hại trên 18.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). 5 bị cáo bị xét xử, gồm: Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc NHNN Việt Nam); Hà Tấn Phước (nguyên Phó Giám đốc NHNN tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát); Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An); Phạm Thế Tuân (nguyên tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc VietcomBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) và Ngô Văn Thanh (SN 1977, thành viên tổ giám sát).
Luật sư đề nghị không xử lý hình sự nguyên Phó Thống đốc!
Trong phần tranh luận bảo vệ cho bị cáo Ngô Văn Thanh, luật sư Trương Thị Minh Thơ khẳng định trong quá trình điều tra đã xảy ra vi phạm tố tụng. Cụ thể có đến 28 bản khai như sinh đôi! Điều tra viên dùng lời khai của bị can Lê Văn Than để gắn vào biên bản hỏi cung bị can Ngô Văn Thanh. Thậm chí làm việc cả ngày Tết Dương lịch, làm việc năm này nhưng ký biên bản năm khác! Ở đây thể hiện sự tắc trách trong quá trình điều tra. Đề nghị HĐXX kiến nghị chấn chỉnh cung cách làm việc của cơ quan điều tra về sau. “Lúc đầu bị cáo Thanh kêu oan, nhưng tại tòa đã nhận trách nhiệm và xin miễn hình phạt hoặc cho hưởng án treo. Vì vậy tôi mong HĐXX xem xét theo lời bị cáo”, luật sư Thơ nói.
  Các bị cáo tại phiên tòa sáng 28/6.
Bảo vệ cho bị cáo Đặng Thanh Bình, 4 luật sư đều chung quan điểm bị cáo Bình chưa đến mức phải xử lý hình sự, vì tất cả các tờ trình, quyết định, công văn… do bị cáo ký đều thông qua Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Ban lãnh đạo NHNN, bị cáo không thể tự ý quyết định trước các vấn đề lớn của đất nước. Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật TNHH Bross và Cộng sự, lập luận“Viện KSND cho rằng nếu bị cáo Bình chỉ đạo sát sao hơn trong việc đánh giá miếng đất số 302 đường Tô Hiến Thành (Q.10 – TP Hồ Chí Minh), thì Phạm Công Danh lúc đó sẽ không thể thò sâu hơn trong việc tái cơ cấu (TCC) TrustBank. Tuy nhiên cần nhắc lại trước khi trình lên NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát (CQTTGS) NHNN đã kiểm tra kỹ các văn bản của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng ý cho Phạm Công Danh vay để TCC TrusBank. Từ những báo cáo của CQTTGS dựa trên văn bản của bên cho vay tiền thì không lãnh đạo nào không tin. Đối với CQTTGS nếu thận trọng hơn thì chính họ phải trực tiếp kiểm tra lại. Đại diện Viện cho rằng bị cáo Bình chưa làm đầy đủ trách nhiệm là chưa toàn diện. Về việc để Phạm Công Danh tham gia TCC, bản thân bị cáo Bình là lãnh đạo làm việc đều có quy chế, mỗi vấn đề lớn đều phải họp trước tập thể, khi đã thống nhất thông qua mới ký”.
Còn luật sư Nguyễn Xuân Bính (VP Luật sư Khánh Hưng), nói: “Tại tòa bị cáo Bình đã nhận trách nhiệm chính trị. Vì vậy về trách nhiệm pháp lý không nên xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Bình. Theo đánh giá của Viện KSND hậu quả là nghiêm trọng, nhưng thực chất hậu quả này do công tác thanh tra, giám sát còn thiếu sót dẫn đến hậu quả trong vụ án này là do Tổ giám sát, do CQTTGS và cao hơn là NHNN tỉnh Long An”.
Viện KSND đề nghị HĐXX xử có lợi cho 5 bị cáo
Trước những lập luận của các luật sư bảo vệ cho 5 bị cáo, 3 vị đại diện Viện KSND vẫn giữ quan điểm tất cả các bị cáo đều mắc sai phạm. Trong đó bị cáo Bình giữ vai trò chính. Việc tái cơ cấu (TCC) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhằm cải thiện tài chính tốt hơn tại các ngân hàng xấu, nhưng càng TCC thì tình trạng Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là TrustBank) càng xấu đi. “Nếu bị cáo Bình yêu cầu CQTTGS làm chặt chẽ hơn, thì hậu quả không lớn như hôm nay. Do bị cáo Bình trong quá trình thực hiện việc TCC các ngân hàng xấu theo sự phân công của Thủ tướng đã không làm đúng, không làm đủ trách nhiệm nên mới có các bị cáo ngồi tại tòa. Vì vậy việc truy tố các bị cáo là có căn cứ”, đại diện Viện KSND đối đáp.
  Bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN nói lời sau cùng tại tòa.
Dù giữ nguyên quan điểm các bị cáo có tội, nhưng đại diện Viện KSND cũng phân tích hoàn cảnh, thời điểm, nguyên nhân… xảy ra vụ việc, các bị cáo cũng thừa nhận không làm đúng, có công đóng góp cho sự phát triển của ngành ngân hàng. Từ những phân tích này, Viện KSND đề nghị HĐXX trước khi tuyên án cần xem xét một cách toàn diện, khách quan, đúng và đủ để làm sao có lợi nhất cho các bị cáo.
Khi được nói lời sau cùng, tất cả các bị cáo đều thừa nhận có sai sót và mong được giảm nhẹ mức án so với đề nghị của Viện KSND. Riêng bi cáo Đặng Thanh Bình cho rằng đại diện Viện KSND đã có những ý kiến khách quan khi đánh giá trách nhiệm của cá nhân bị cáo. “Trong quá trình TCC ngân hàng, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. TCC không chỉ riêng 6 ngân hàng mà TCC toàn bộ ngành ngân hàng. Kết quả lớn nhất đối với chúng tôi là góp phần giữ vững ổn định an ninh tiền tệ, ANTT xã hội. Đối với TrustBank chúng tôi phải đối mặt với hàng loạt vi phạm chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng. Dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc như hôm nay là công tác thanh tra, giám sát chưa có kinh nghiệm vào thời điểm đó. Bản thân tôi trong quá trình triển khai chỉ đạo TCC có sai sót, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tôi khẳng định làm đúng theo chỉ đạo của NHNN, của Thủ tướng Chính phủ. Tôi mong HĐXX xem xét khách quan, thấu đáo những lý lẽ, ý kiến trao đổi xung quanh cá nhân tôi để không xử lý hình sự”, bị cáo Bình, nói lời sau cùng.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, chủ tọa phiên tòa cho biết sẽ nghị án và tuyên án vào lúc 15 giờ ngày 2/7 tới đây.
NHNN Việt Nam xin giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo
Tại tòa, đại diện NHNN cho biết thời điềm năm 2011 – 2012, hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, lãi 20% - 25%/năm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng cao, có nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Từ những khó khăn nêu trên Chính phủ đưa ra nhiều phương án TCC các ngân hàng yếu kém, trong đó có TrustBank. Việc TCC không thành công do những người điều hành tại VNCB.
Đại diện NHNN cũng cho biết trong quá trình TCC do chưa có kinh nghiệm, chưa đầy đủ tính pháp lý, vừa làm vừa mày mò nên xảy ra hậu quả. Đối với bị cáo Đặng Thanh Bình trong quá trình TCC đã nỗ lực nghiên cứu các vấn đề, đã tuân thủ pháp luật, các chỉ thị của Nhà nước. Các bị cáo trong Tổ giám sát là những người có tinh thần trách nhiệm, kết quả TCC đã làm hệ thống các tổ chức tín dụng ổn định, góp phần tăng trưởng kinh tế, quyền lợi người gửi tiền được bảo đảm…
Từ những nhận định trên, đại diện NHNN Việt Nam đề nghị HĐXX ghi nhận sự đóng góp của các bị cáo tại tòa này, xem xét giảm trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo để từ đó tạo sự an tâm công tác cho cán bộ ngành ngân hàng.