Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc Tết lãnh đạo, đồng bào và chiến sĩ
Trong không khí phấn khởi đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 1/2 (tức 27 Tết), tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chúc Tết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành quả rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản.
Những thành tựu toàn diện đạt được trong năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đó là kết tinh của sự nghiệp hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước; sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân… tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tạo động lực và khí thế mới, niềm tin và hy vọng lớn bước vào năm mới 2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ mùa Xuân bao giờ cũng là mùa báo hiệu cho một sự khởi đầu tốt lành và tràn đầy hy vọng. Có lẽ ít có khi nào đất nước ta bước vào một mùa Xuân mới với tâm thế và quyết tâm lớn lao đầy trọng trách như mùa Xuân này. Xuân Kỷ Hợi 2019 là dấu mốc thời gian vô cùng quan trọng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự nỗ lực chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ 5 năm và thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tập trung lo Tết cho dân
Ngày 31/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2019; công tác phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; việc xử lý các vướng mắc liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; phương án giao đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; một số dự án luật…
Thủ tướng nhìn nhận tình hình tháng đầu tiên của năm 2019 tiếp tục xu hướng tích cực, tiếp tục giữ tiến độ đầu tư phát triển, đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn.
Lưu ý một số vấn đề trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng nhấn mạnh, “nhiệm vụ của chúng ta, các cấp, các ngành, các địa phương hiện nay là tập trung lo Tết cho dân để bảo đảm Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm”. Phải bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa Tết, đừng để Tết thiếu hàng cho người dân.
Tập trung lo Tết cho người vùng khó khăn, vùng xa, vùng sâu, vùng bị thiên tai, bảo đảm mọi thành phần xã hội đều được hưởng Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn. Các cấp các ngành phải tăng cường kiểm tra những vấn đề này tốt hơn.
Cùng với việc cung ứng đầy đủ hàng hóa, cần tập trung quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là chống vận chuyển, đốt pháo trái phép. Một yêu cầu rất lớn hiện nay là mở một chiến dịch xử lý các loại tội phạm để bảo đảm an toàn cho người dân. Đặc biệt là đổi mới cách làm, biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bên cạnh vui Tết và lo Tết cho người dân, cần lo sản xuất, đời sống kinh doanh, dịch vụ để đẩy mạnh phát triển, để ngay sau Tết bắt tay ngay vào việc, không được chậm trễ, chểnh mảng, kể cả cơ quan hành chính, dịch vụ. Hạn chế những mặt tiêu cực của lễ hội trong dịp Tết và sau Tết. Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu việc nghỉ Tết sang năm (2020), trong đó có mô hình Singapore.
Hàng triệu người dân về quê ăn Tết
Trong tuần này, từ ngày 31/1 (tức ngày 26 tháng Chạp), người dân đã đổ ra các bến xe của các thành phố lớn để về quê đón Tết. Tại nhiều bến xe tuy có xảy ra ùn ứ do lượng khách tập trung đông, "nóng" hơn song không đến mức quá tải. Còn các Cảng hàng không quốc tế những ngày cuối năm luôn trong tình trạng kẹt cứng.
Theo ghi nhận tại Hà Nội, các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm... rất đông hành khách, song không xảy ra tình trạng quá tải. Hành khách tới bến nhanh chóng mua được vé lên xe. Trong khi đó, giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ cũng không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Cũng trong ngày 31/1, Đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phục vụ Tết của các bến xe trên địa bàn Thủ đô. Trong quá trình kiểm tra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao các bến xe đã bảo đảm đủ lượng xe, tần suất hoạt động phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý các doanh nghiệp vận tải và bến xe cần chú trọng tuyên truyền tới các lái xe, nhắc nhở hành khách kiểm tra việc thắt dây an toàn bởi đây không phải là việc làm đối phó mà là để bảo đảm an toàn tính mạng con người. Đặc biệt, khi phát hiện lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chất kích thích thì doanh nghiệp phải thay thế ngay tài xế khác.
Với việc một số doanh nghiệp vận tải đăng ký tăng giá vé, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, trong đợt cao điểm Tết, giá vé có thể tăng nhưng cần có mức tăng phù hợp. Các doanh nghiệp vận tải không thể vin cớ chạy “rỗng” một chiều để phụ thu và đề nghị được tăng bù lên tới mức 60-70%. Bộ đã yêu cầu các đơn vị vận tải giảm việc tăng vé và chỉ tăng ở mức tối đa 10-20%.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các bến xe và cơ quan chức năng tập trung kiểm tra hàng hóa. Khi nhận gửi mô tô, xe máy phải tuyệt đối rút hết nhiên liệu trong phương tiện để phòng, chống cháy nổ.
Tuyên án vụ chạy thận ở Hòa Bình
Chiều 30/1, sau 5 ngày nghỉ nghị án, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hòa Bình tuyên án các bị cáo trong vụ án sự cố y khoa chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong.
HĐXX cho hay, bị cáo Hoàng Công Lương là người có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh Nội và Hồi sức cấp cứu. Bị cáo Lương cũng là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Bị cáo là người biết rõ nội dung sửa chữa và thời gian cụ thể ngày 28/5/2017 sửa chữa hệ thống RO số 2. Ngày 29/5/2017, Lương là bác sĩ duy nhất trong 3 bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu, có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Do vậy, Hoàng Công Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh.
Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị cáo phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng. Sau sửa chữa, bảo dưỡng “tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống” phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc trưởng khoa.
Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường, Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị, ký xác nhận y lệnh điều trị của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền đối với 18 bệnh nhân. Trên cơ sở đó các điều dưỡng viên tiến hành hoạt động lọc máu cho các bệnh nhân.
Việc ra y lệnh, ký xác nhận y lệnh của bị cáo khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2, dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người chết. Vì vậy, HĐXX cho rằng, đủ căn cứ truy tố Hoàng Công Lương về tội Vô ý làm chết người như cáo trạng đã truy tố. Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù.
Các bị cáo khác: Trần Văn Sơn (SN 1990), Trần Văn Thắng (SN 1965), đều trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976) - Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) lần lượt bị tuyên phạt 30 tháng tù đến 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng với tội danh trên, Trương Qúy Dương (SN 1962) - nguyên Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình bị áp dụng 30 tháng tù.
HĐXX cũng kiến nghị khởi tố bác sĩ Hoàng Công Tình (chú ruột Hoàng Công Lương) để làm rõ dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hơn 1 vạn công nhân mất việc trước Tết
Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong ở tỉnh Trà Vinh ngày 30/1 đã công bố cho 10.142 công nhân thôi việc từ đầu tháng 2/2019. Nguyên nhân công ty này đưa ra là do đối tác tại Mỹ bị phá sản, khiến gần 70% lượng hàng xuất khẩu của đơn vị này không được tiêu thụ.
Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan - Trung Quốc), được thành lập năm 2005, chủ yếu sản xuất giày nữ xuất khẩu qua thị trường Mỹ và châu Âu. Công ty này có 3 phân xưởng tại huyện Trà Cú và Tiểu Cần. Những năm trước làm ăn thuận lợi, nơi đây thu nhận hơn 28.000 công nhân vào làm việc, chủ yếu là người địa phương. Nhưng thời điểm hiện tại đơn vị chỉ còn trên 19.000 lao động và hơn 50% trong số này phải nghỉ việc từ tháng 2.
Ngay sau sự việc, UBND tỉnh Trà Vinh đã lập đoàn công tác gồm các ngành liên quan để xử lý sự việc, đảm bảo các quyền lợi cho người lao động. Bà Thạch Thị Thu Hà, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Trà Vinh cho biết, qua làm việc, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong đã thống nhất thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo pháp luật.
Theo đó, công ty trả thưởng Tết 2019, trả lương tháng 1 và tháng 2, thực hiện chế độ thôi việc, trợ cấp mất việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng chế độ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Thất nghiệp...
Cụ thể, ngày 23/1, công ty đã phát tiền lương tháng 12 và thưởng Tết năm 2019. Ngày 30/1, công ty phát tiền lương tạm ứng tùy theo mức lương của người lao động, thấp nhất là 2,6 triệu đồng/người...
Sau ngày 28/2, công ty chi trả trợ cấp mất việc đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến khoảng 10 triệu đồng/người. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật.
Sau Tết, công ty sẽ chi trả lương tháng 2. Hiện tại, công ty và các ngành chức năng làm các thủ tục cho công nhân nhận các chế độ chính sách về hỗ trợ thất nghiệp và hướng dẫn tìm việc làm mới.
Ngoài ra, Liên đoàn lao động tỉnh Trà Vinh đã kết nối với Trung tâm giới thiệu việc làm, Ban Quản lý Khu Kinh tế nắm nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh (trong đó Khu Công nghiệp Long Đức đang cần khoảng 6.000 lao động) để tiếp nhận các công nhân bị mất việc.
Phá đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia
Trong tuần, Phòng 5 - Cục Cảnh sát hình sự phía Nam phối hợp với Phòng 6, Phòng 7, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.
Cầm đầu đường dây buôn bán nội tạng “khủng” này là Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh). Ngày 31/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Tôn Nữ Thị Huyền, Hoàng Đức Tùng (28 tuổi), Phạm Quang Cảnh (23 tuổi, cùng ngụ TP Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (27 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) và Nguyễn Minh Tâm (20 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi mua bán bộ phận người.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 8/2018, trinh sát đã phát hiện một đường dây có dấu hiệu mua bán thận do các đối tượng là người Việt Nam cấu kết với các đối tượng nước ngoài thực hiện, nên đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá. Qua quá trình điều tra, công an xác định, các đối tượng trong đường dây đa số đều là người đã mua thận để ghép hoặc bán thận nên nắm rõ mọi quy trình bán thận trái phép tại nước ngoài.
Đường dây này do Tôn Nữ Thị Huyền (quê gốc Thừa Thiên-Huế, vào Đồng Nai sinh sống) cầm đầu. Sau khi bị vỡ nợ hàng tỷ đồng, Huyền đã về TP Hồ Chí Minh bán thận lấy tiền trả nợ, sau đó dần trở thành môi giới và hình thành đường dây tại đây.
Huyền lên mạng xã hội tìm kiếm, tiếp cận, dụ dỗ các nạn nhân người Việt Nam bán thận. Sau khi tìm được người bán, các đối tượng trong đường dây tổ chức tuyển chọn, nuôi ăn ở, đưa nạn nhân đi khám tổng quát tại các bệnh viện, phòng khám trong cả nước…
Khi tuyển chọn được các nạn nhân bán thận có chỉ số phù hợp với người cần mua thận để ghép, các đối tượng đưa nạn nhân đi từ cửa khẩu biên giới qua nước ngoài để mua bán và phẫu thuật ghép thận. Ngoài việc lo hết các chi phí, mỗi nạn nhân bán thận được các đối tượng trả khoảng 200 triệu đồng.
Nạn nhân của đường dây này đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, con cái bệnh tật nên đã bán thận để lấy tiền chữa trị cho con. Một số nạn nhân thì do thua bài bạc, cá độ bóng đá, phải đi bán thận lấy tiền trả nợ. Chưa kể còn có người dân tộc thiểu số ít hiểu biết đã bị dụ dỗ bán thận có nhiều tiền để trang trải cuộc sống.
Huyền khai, giá mỗi ca bán thận từ 1,5 - 2 tỷ đồng, nhóm này thu 400 triệu đồng, trả cho nạn nhân khoảng 200 triệu đồng. Những người môi giới thành công sẽ được trả từ 20 - 25 triệu đồng.
Tên cướp trả lại 100 triệu đồng cho nạn nhân
1 sự việc cũng gây tranh cãi trong tuần là hành động đem trả lại tiền cùng bức thư gửi khổ chủ của 1 tên cướp tại Bình Dương.
Theo thông tin trên báo chí, ngày 1/2, Công an phường An Phú (thị xã Thuận An, Bình Dương) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ cướp giật kỳ lạ khi hung thủ trả lại tài sản kèm thư xin lỗi cho nạn nhân.Cơ quan chức năng đã xác minh nhằm trao trả 100 triệu đồng và 2 chiếc điện thoại di động cho người bị cướp.
Nạn nhân khi trả lời báo chí cũng mong muốn công an không truy bắt hung thủ.
Theo chị T. (nạn nhân vụ cướp), ngày 28/1, chị mang 100 triệu đồng của công ty đi gửi ngân hàng. Cọc tiền cùng với 7 triệu đồng cá nhân và giấy tờ tùy thân chị bỏ trong balô. Lúc chạy xe tay ga qua phường An Phú, chị bị nam thanh niên áp sát, giật balô. "Tôi cố gắng đuổi theo tên cướp khoảng một cây số thì mất dấu, sau đó đến công an phường trình báo", chị kể.
Hôm sau, chị bất ngờ khi được công an thông báo tên cướp trả lại 100 triệu đồng cùng điện thoại và giấy tờ cá nhân. "Lúc nhận lại tiền, tôi mừng lắm. Bởi, tôi lo sợ, không biết lấy tiền đâu đền cho công ty", chị chia sẻ.
Mất 7 triệu đồng nhưng chị không thấy buồn mà cảm động khi đọc thư xin lỗi của tên cướp. "Dù sao anh ta cũng đã hối hận. Mong công an không truy cứu trách nhiệm hình sự để anh ấy được ăn Tết cùng vợ và đứa con nhỏ", chị nói.
Tuy nhiên, theo các luật sư hành vi của đối tượng này đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội cướp giật tài sản. Theo quy định của pháp luật thì tội cướp giật tài sản không thuộc một trong các tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Bởi vậy kể cả trường hợp người bị hại không yêu cầu xử lý, hoặc có đơn đề nghị không xử lý với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan công an vẫn cần phải tiếp tục xem xét giải quyết xử lý theo quy định pháp luật. Trong khi đó hành vi trả lại tiền sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ của thủ phạm.