Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Washington Post: Mỹ ra “tối hậu thư” buộc châu Âu gây áp lực với Iran về JCPOA

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tờ Washington Post cho biết chính quyền Mỹ đe dọa áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ EU nếu khối này không kích hoạt “cơ chế tranh chấp” với Iran về thỏa thuận hạt nhân.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã tăng cường việc sử dụng đòn bẩy kinh tế để đàm phán lại các thỏa thuận quốc tế mà Washington đánh giá là không công bằng với lợi ích kinh tế hoặc chiến lược của mình.
Chính quyền ông Trump trong tuần trước đã “âm thầm” cảnh báo áp thuế mới với ô tô nhập khẩu từ 3 nước châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức, ngay trước khi họ chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện (JCPOA), tờ Washington Post (WaPo) cho biết hôm 15/1.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) quen thuộc với vấn đề này, Mỹ đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với ô tô của Đức, Pháp và Anh, nếu họ từ chối lên án việc vi phạm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân của Tehran và kích hoạt cơ chế tranh chấp thương mại trong JCPOA.
Các quan chức trên cho biết, chỉ vài ngày sau khi nhận “tối hậu thư” từ Mỹ, 3 cường quốc châu Âu chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân, kích hoạt cơ chế dự phòng có thể tái áp đặc các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Iran, điều này đe dọa phá hủy JCPOA.
“Chúng tôi khẳng định rằng JCPOA là một thỏa thuận khủng khiếp", một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Trump cho hay khi được hỏi về cảnh báo áp gói thuế quan mới với ô tô nhập khẩu từ EU, tờ WaPo đưa tin.
Cũng theo quan chức này, 3 quốc gia châu Âu đã kích hoạt cơ chế tranh chấp với Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân trước khi Mỹ công bố gói thuế mới.
Trong một thông báo chung đưa ra hôm 15/1, Pháp, Anh và Đức thông báo kích hoạt "cơ chế giải quyết tranh chấp" của thỏa thuận JCPOA để phản đối và "thảo luận" về quyết định gần đây của Iran là ngừng tuân thủ văn kiện này. Iran mô tả biện pháp này "vô hiệu", chỉ trích các nước châu Âu không đền bù cho tất cả những giao dịch thương mại mà Tehran đã tổn thất do cấm vận của Mỹ.
Theo WaPo, các nước châu Âu đã thống nhất thực thi giải pháp gây áp lực với Teheran từ nhiều tuần trước đó do động thái leo thang căng thẳng của Iran tại Trung Đông và việc liên tuch vi phạm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Giới phân tích cho rằng hiện chưa rõ ràng liệu 3 nước EU đưa ra những lời chỉ trích Iran vi phạm JCPOA xuất phát từ cảnh báo đe dọa áp thuế của Mỹ hay chỉ nhằm đạt các lợi ích của các nước châu Âu, vì cả hai bên cùng quan tâm đến việc kích hoạt cơ chế  tranh chấp này.
Chính quyền Mỹ xem việc 3 nước EU kích hoạt cơ chế tranh chấp là một biện pháp có thể tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hoàn toàn chống Iran trong vòng 65 ngày. Trong khi đó, các cường quốc EU coi giải pháp này là một cách cần thiết để khôi phục thỏa thuận JCPOA, giảm căng thẳng và ngăn chặn việc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.
Tổng thống Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018 với cáo buộc thỏa thuận hạt nhân “không công bằng" với Mỹ, đồng thời tái áp đặt trừng phạt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuy nhiên, các nước EU còn lại trong thỏa thuận hạt nhân ký với Iran vẫn muốn duy trì JCPOA, khi các nhà lãnh đạo khối này khẳng định rằng Iran vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hòa bình mang tính bước ngoặt.
Liên quan đến JCPOA, sau một số lần dừng tuân thủ các giới hạn của thỏa thuận trong năm 2019 để đáp trả hành động của Mỹ, Iran tuyên bố hôm 5/1 sẽ dừng hẳn tuân thủ, không thực hiện các giới hạn về mức độ làm giàu và dự trữ uranium, hoặc về số lượng máy li tâm đang hoạt động. Tuy vậy, Tehran sẽ vẫn hợp tác với các thanh sát viên hạt nhân Liên Hợp quốc, và các động thái này có thể đảo ngược nếu trừng phạt được dỡ bỏ./.